Cuộc “cách mạng” ở bản Lòng Hồ

Ngồi bên đống ngô ước chừng vài tấn vừa thu hoạch, ông Lường Văn Tôn, dân tộc Thái, Trưởng bản Lòng Hồ (xã biên giới Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) trải lòng: “Có thể coi như một cuộc cách mạng đấy. Mới năm 2007 thôi dân bản vẫn còn phải chạy ăn từng bữa”.

Ông Vì Văn Thi, dân tộc Thái, vận hành chiếc máy xay xát giá 4,5 triệu đồng mua bằng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.


Bản Lòng Hồ có 40 hộ đồng bào dân tộc Thái, Mường được tái định cư về xã Chiềng Sơn từ năm 1995. Đây là một trong những hộ dân cuối cùng phải di dời phục vụ cho công trình thủy điện Hòa Bình. Do điều kiện trước đây các chế độ chính sách chưa được bằng như với dân tái định cư thủy điện Sơn La sau này, nên đời sống của đồng bào mới về gặp nhiều khó khăn.

Thêm vào đó, cách hỗ trợ người dân tái định cư cũng có bất cập. Tỉnh hỗ trợ cho vay ưu đãi bằng dụng cụ đánh bắt cá, giống cây hồng ngâm không hạt… Nhưng rồi các “hiện vật” đều không phát huy hiệu quả, giống hồng ngâm cho quả quá chát không tiêu thụ nổi, đành bỏ hoang. Trong khi đó, khoản vay lại bị quy ra thành tiền. Trưởng bản Lường Văn Tôn cho biết, điều đó khiến tâm lý của bà con sinh ra chán nản, không ổn định phát triển làm ăn mà luôn có ý định chuyển đi. Bà Tòng Thị Tươi, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Sơn La cũng cho biết: Khoản nợ “hiện vật” của bản Lòng Hồ khi chuyển giao cho NHCSXH quản lý bị trở thành khoản nợ xấu hơn 171 triệu đồng.

Báo Tin Tức và một số ấn phẩm khác được Chính phủ cấp phát đến thôn, bản đã góp phần nâng cao dân trí. Trong ảnh: Trưởng bản Lường Văn Tôn và Bí thư Chi bộ Đinh Thị Mến ở nhà văn hóa bản Lòng Hồ.


Với quyết tâm phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân, cấp ủy, chính quyền xã Chiềng Sơn đã phối hợp với NHCSXH và các hội đoàn thể vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật khuyến nông, đưa giống mới năng suất cao vào gieo trồng. Một giải pháp quan trọng là NHCSXH đã quyết định “gác” lại khoản nợ xấu, tiếp tục cho vay “kích thích” và cùng các hội đoàn thể sâu sát hướng dẫn người dân cách sử dụng vốn vay đúng mục đích. Cán bộ, đảng viên ở thôn đi đầu trong vay vốn mua giống mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Thấy hiệu quả, bà con dân bản mới mạnh dạn làm theo. Đến nay thì đã có 29 hộ vay vốn ưu đãi với dư nợ tại NHCSXH là 620 triệu đồng.

Nhờ các biện pháp đồng bộ, chỉ từ năm 2008 đến nay, đời sống dân bản đã có sự thay đổi vượt bậc. Các hộ đã phát triển trồng cây chè, cây ngô và thâm canh lúa 2 vụ thay vì 1 vụ như trước. Không còn cảnh chạy ăn từng bữa, nhà nào cũng có xe máy, ti vi, cả thôn đã có 4 hộ thoát nghèo. Hai bên đường từ trung tâm xã vào thôn là xanh mướt đồi chè của bà con. Điều quan trọng là nhận thức của người dân đã vững tin vào cuộc sống nơi quê hương mới. Như ông Vì Văn Thi, dân tộc Thái “khoe”: Hiện gia đình ông làm 20 cân giống (khoảng hơn 1 ha ngô), 2.000 m2 chè, ruộng lúa làm 1 vụ, còn 1 vụ đắp bờ làm ao thả cá để tăng hiệu quả sử dụng đất. Vừa được vay 30 triệu đồng vốn hộ nghèo, ông Thi đầu tư vào đào ao, chăn nuôi lợn và mua thêm 1 máy xay xát nhỏ. Kinh tế gia đình vì thế cải thiện đáng kể.

Trưởng bản Lường Văn Tôn còn cho biết: “Trước kia đường vào thôn vất vả lắm, chỉ có xe “quệt” thôi (một loại xe gỗ không có bánh do trâu kéo). Vừa rồi bà con đóng góp nâng cấp cải tạo đường cho con em mình đến trường thuận tiện, nhà thầu cho thôn nợ tiền vật liệu đến vụ ngô này mới trả nốt”. Mừng hơn nữa là bà con cũng cam kết trả hết khoản nợ trước kia và phấn khởi đăng ký vay mới để phát triển kinh tế.

Như ông Dương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơn nhận xét, bản Lòng Hồ đã trở thành bản điển hình trong phong trào phát triển kinh tế - xã hội từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ.

Bài và ảnh: Ngọc Tú

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN