“Cuộc bể dâu" trên xứ sở Kim tự tháp

Ngày 25/1 tới, người dân Ai Cập sẽ lại xuống đường biểu tình rầm rộ theo lời kêu gọi của cả chính quyền lâm thời lẫn phe Hồi giáo ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi nhân 3 năm nổ ra "Mùa xuân Arập". “Cơn bão” này đã làm đảo lộn mọi thứ, gây chấn động lớn và hình thành những chương đẫm máu nhất và bất hạnh nhất trong lịch sử quốc gia Bắc Phi này.

Người biểu tình chạy tránh đạn hơi cay của cảnh sát trong cuộc xung đột ở thủ đô Cairo ngày 17/1. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy không phải là nơi đầu tiên hứng chịu cơn địa chấn "Mùa xuân Arập", song Ai Cập lại là một trong số ít quốc gia được mọi người nhắc đến nhiều nhất với những cuộc biểu tình bạo lực dai dẳng và có quy mô lớn nhất trên thế giới. Những cơn "thịnh nộ" trên đường phố đã lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak, làm chao đảo chính quyền quân sự trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài gần một năm rưỡi và tiếp đó lật đổ chính quyền của Tổng thống Hồi giáo Morsi vào giữa năm 2013. Làn sóng chính biến mới này đã kéo theo các cuộc bạo loạn lan tràn trên khắp cả nước, khiến chính phủ lâm thời do quân đội hậu thuẫn đứng trước nguy cơ sụp đổ, thậm chí còn đẩy đất nước đến bên bờ nội chiến. Hiện "cơn bão" đã tạm thời lắng xuống, song vẫn còn đó những cơn "sóng ngầm" đang chực chờ đe dọa nhấn chìm Ai Cập bất cứ lúc nào.


Trong bối cảnh nguy cơ tấn công của các phần tử Hồi giáo cực đoan gia tăng, người ta không còn thấy không khí ăn mừng tại các quảng trường lớn của Ai Cập vào thời khắc cả thế giới đón chào năm mới 2014 và thậm chí ngay cả khi Hiến pháp mới được hơn 98,1% cử tri nước này bỏ phiếu ủng hộ trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 14 - 15/1 vừa qua (tỷ lệ cao chưa từng thấy ở quốc gia này).


Đã 3 năm trôi qua kể từ khi bị cuốn vào vòng xoáy của “Mùa xuân Arập”, Ai Cập vẫn đang loay hoay, vật vã tìm cách thoát khỏi vòng luẩn quẩn của bạo lực và bất ổn triền miên. Thành quả của cái gọi là "cuộc cách mạng" vẫn chẳng thấy đâu, trong khi quyền lực được chuyển từ người này sang người khác. Nhiều khả năng sau lộ trình chuyển tiếp chính trị dự kiến kết thúc vào giữa năm nay, quyền lực có thể sẽ lại rơi vào tay một nhân vật xuất thân từ quân đội và các cựu quan chức thuộc chính quyền của cựu Tổng thống Mubarak. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng tràn lan, bộ máy hành chính nặng nề, quan liêu và hết sức nhiêu khê vẫn là những rào cản lớn đối với sự ổn định và phát triển của quốc gia này.


Người dân Ai Cập hiện vẫn hoàn toàn "trắng tay" và thậm chí còn rơi vào cảnh nghèo khó, cùng quẫn hơn trước. Tỷ lệ tăng trưởng GDP của Ai Cập đã giảm mạnh từ mức gần 6% năm 2010 xuống còn 2,1% trong năm tài chính 2012 - 2013 và tiếp tục giảm sâu xuống mức 1,04% trong quý I của năm tài chính 2013 - 2014. Đồng nội tệ mất giá tới hơn 10% trong năm ngoái; tỷ lệ nghèo đói, lạm phát, thâm hụt ngân sách và nợ công tăng, trong khi đầu tư nước ngoài giảm. Bạo lực và bất ổn triền miên cũng khiến khách du lịch tránh xa các di tích cổ nổi tiếng thế giới của Ai Cập, kéo theo sự thất thu khổng lồ cho ngân sách quốc gia và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế sinh nhai của hàng triệu người lao động.


Theo các nhà phân tích, "đoạn trường" của Ai Cập thời hậu "Mùa xuân Arập" có thể còn kéo dài ngay cả khi lộ trình chuyển tiếp chính trị do quân đội hậu thuẫn thành công. Trong tương lai gần, triển vọng của quốc gia Bắc Phi này không mấy sáng sủa do những mâu thuẫn bè phái, sắc tộc, tôn giáo ngày càng sâu sắc và hàng loạt thách thức vẫn đang chờ được giải quyết. Ai Cập sẽ chỉ có thể phát triển ổn định và khôi phục lại vị thế của mình nếu có những chính sách hòa giải để hướng cả dân tộc cùng nhìn về một phía.


Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Ai Cập)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN