Ngày 18/4, truyền thông Cuba đưa tin Chủ tịch Raul Castro đã gửi điện chia buồn đến bà Mercedes Barcha, quả phụ của nhà văn Garcia Marquez, về sự ra đi của nhà văn vĩ đại của các dân tộc Mỹ Latinh, người bạn lớn của nhân dân Cuba. Bức điện của nhà lãnh đạo Cuba nhấn mạnh, thế giới, đặc biệt là nhân dân các nước châu Mỹ đã mất đi một nhà trí thức, một nhà văn mẫu mực. Nhân dân Cuba mất đi một người bạn lớn, thủy chung và thân thiết. Sự nghiệp của những người như Marquez là bất tử.
Chủ tịch Raul Castro và nhà văn Garcia Marquez trong một cuộc mít tinh tại La Habana. Ảnh: Cubadebate. |
Cùng ngày, báo Granma , cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba đăng ở vị trí trang trọng trên trang nhất bức ảnh lãnh tụ Fidel Castro đang nói chuyện với nhà văn Garcia Marquez và dòng tít lớn: “Vĩnh biệt một nhà văn vĩ đại của nền văn học Mỹ Latinh”. Báo cũng trích dẫn phát biểu của lãnh tụ Fidel Castro nêu rõ, văn chương của Gabriel Garcia Marquez là biểu hiện xác thực của sự nhạy cảm và sự gắn kết không thể tách rời với cội nguồn, đồng thời đó chính là cảm hứng Mỹ Latinh, sự trung thành với sự thật cũng như tư tưởng tiến bộ của ông.
Tờ báo cũng dành toàn bộ hai trang văn hóa đề cập tới tình cảm đặc biệt của nhà văn với Cuba, sự ủng hộ và giúp đỡ của ông trong việc mở Trường điện ảnh Mỹ Latinh tại La Habana, cũng như giúp Cuba và các nước trong khu vực đào tạo cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực này. Ngoài ra, báo Granma cũng đăng tải các bài viết nói về sự nghiệp báo chí và văn học của nhà văn từng đoạt giải Nobel năm 1982 với tiểu thuyết
Trăm năm cô đơn nổi tiếng, được dịch ra hơn 30 thứ tiếng, trong đó bản dịch tiếng Việt đã xuất bản từ 1985 và tái bản nhiều lần sau đó.
Dưới nhan đề “Người con lỗi lạc xứ Macondo đã từ trần”, tác giả Madelene Saute đánh giá Garcia Marquez là một trong những nhà văn vĩ đại nhất của văn học thế giới, người mang phẩm chất nhân văn lớn lao, luôn đứng về phía những người nghèo khổ trên trái đất, đặc biệt là ở Mỹ Latinh. Bài báo cũng dẫn lời bình của nhà thơ Chile Pablo Neruda, một tác giả Mỹ Latinh khác từng giành giải Nobel Văn học năm 1971 nhận xét: “Đó là tác phẩm tuyệt vời nhất của nền văn học viết bằng tiếng Tây Ban Nha kể từ sau kiệt tác Don Quijote của đại văn hào Miguel de Cervantes”.
Báo Juventud Rebelde đăng tin trên trang nhất và bài trên toàn bộ trang văn hóa cùng với ảnh bìa của hầu hết các tác phẩm văn học của Garcia Marquez như
Trăm năm cô đơn, Ngài đại tá chờ thư, Nhật ký người chìm tàu, Ký sự về một cái chết được báo trước, Mùa thu của Trưởng lão, Tình yêu thời thổ tả, Tướng quân giữa mê hồn trận, Sống để kể lại… với đánh giá: “Marquez là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của Mỹ Latinh và thế giới trong thế kỷ 20. Ông cũng là nhà báo, nhà văn, nhà viết kịch bàn bậc thầy và là người luôn thể hiện tình cảm cao đẹp, thủy chung đối với nhân dân Cuba và vị lãnh tụ lịch sử Fidel Castro”.
Trên mạng tin điện tử Cubadebate, nhà văn Miguel Barnet, Chủ tịch Hội liên hiệp các nhà văn và nghệ sĩ Cuba (UNEAC) nhấn mạnh, trong thời đại chúng ta, hiếm có nhà văn nào đã làm được việc phản ánh trong tác phẩm của mình những mảng hiện thực vừa huyền ảo vừa kỳ vỹ của châu lục chúng ta như Gabo đã làm được.
Tất cả các hãng tin, các báo điện tử, các đài phát thanh và truyền hình Cuba đều đưa tin rộng rãi và đăng nhiều bài ca ngợi tình cảm và sự ủng hộ trước sau như một của nhà văn lỗi lạc Garcia Marquez đối với cách mạng Cuba, đặc biệt là mối quan hệ thân thiết và sâu sắc giữa Gabo và gia đình ông với lãnh tụ Fidel Castro.
Hoài Nam (P/v TTXVN tại Cuba)