Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để nâng cao giá trị của các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, Việt Nam cần nghiên cứu và tạo điều kiện để doanh nghiệp FDI chuyển dịch chất lượng sản phẩm lên cao hơn.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa, mở rộng quy mô đầu tư, đổi mới công nghệ, đa dạng hoá mục tiêu đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư nước ngoài và quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm.
Sản xuất khuôn mẫu kim loại tại Công ty TNHH Punch Industry Manufacturing Việt Nam, Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Hải Âu/TTXVN |
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính đến ngày 20/3, cả nước có 493 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là hơn 2,9 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016; có 223 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,94 tỷ USD, tăng hơn 206% so với cùng kỳ năm 2016 và 1.077 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là gần 853 triệu USD, tăng 171,5% so với cùng kỳ 2016.
Tính chung trong quý I năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 7,71 tỷ USD, tăng 91,5% so với cùng kỳ năm 2016; ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 3,62 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong quý I năm 2017 đạt hơn 31,4 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 71,8% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô trong quý I năm 2017 đạt hơn 30,7 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ 2016 và chiếm 70,3% kim ngạch xuất khẩu.
Tiếp theo lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là gần 344 triệu USD, chiếm 4,4% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 296,8 triệu USD, chiếm 3,85% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Cũng trong quý I, có 71 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 3,74 tỷ USD, chiếm 48,61% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 911 triệu USD, chiếm 11,81% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 823,6 triệu USD, chiếm 10,68% tổng vốn đầu tư.
Bắc Ninh đang là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất trong số 52 tỉnh, thành phố mà các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư trong quý I, với tổng số vốn đăng ký là 2,61 tỷ USD, chiếm 33,86% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký là 1,39 triệu USD, chiếm hơn 18% tổng vốn đầu tư. TP Hồ Chí Minh đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký gần 600 triệu USD, chiếm 7,78% tổng vốn đầu tư.
Một số dự án lớn được cấp phép trong Quý I là: Dự án SamSung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh; dự án nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) do nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư tại Bình Dương với mục tiêu sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 485,8 triệu USD; dự án nước giải khát Coca-Cola Việt Nam tại Hà Nội điều chỉnh tăng vốn đầu tư 319,8 triệu USD và dự án Khu công nghiệp Việt Nam Singapore III, tổng vốn đầu tư 284,75 triệu USD do Singapore đầu tư tại Bình Dương với mục tiêu đầu tư, xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp…