Công bố ca bệnh nhiễm virút Hanta do chuột cắn

Ngày 28/11, Bộ Y tế đã có văn bản chính thức thông báo về một ca bệnh ở TP Hồ Chí Minh bị nhiễm virút Hanta do chuột cắn.


Ngày 17/10, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, TP Hồ Chí Minh tiếp nhận một bệnh nhân nam, 55 tuổi, bị sốt cao, ho, nổi mẩn khắp người. Trước đó khoảng 1 tháng, bệnh nhân bị chuột cắn nhưng đến ngày 12/10 mới xuất hiện triệu chứng nói trên.


Các kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với virút Hanta, một loại virút có thể khiến bệnh nhân bị suy gan, suy thận cấp, thậm chí tử vong. Rất may, sau gần 10 ngày điều trị, bệnh nhân này đã được xuất viện trong tình trạng sức khỏe hồi phục tốt.


Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: Tại Hà Nội cũng đã có một số ca bệnh bị chuột cắn phải nhập viện, nhưng đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virút Hanta.

“Virút Hanta có thể gây hội chứng sốt xuất huyết kèm suy thận với các triệu chứng chính như sốt cao đột ngột, buồn nôn, đau bụng, giảm huyết áp, có dấu hiệu nổi ban trên da, phù mặt, bí tiểu và sau đó là đa niệu.


Ngoài ra, virút Hanta còn gây sốt xuất huyết hội chứng phổi với các triệu chứng chính như sốt đột ngột, ớn lạnh, nhức đầu, rối loạn đường tiêu hóa, suy hô hấp đột ngột và hạ huyết áp. Bệnh không lây từ người bệnh sang người lành. Một số ít trường hợp có hiểu hiện lâm sàng nặng với hội chứng phổi hoặc hội chứng suy thận cấp có thể tử vong”, ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay.


Do đó, để chủ động phòng chống bệnh do virút Hanta từ động vật gặm nhấm (chủ yếu từ chuột) lây truyền sang người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp như: Tránh tiếp xúc với chuột và chất thải của chúng, sử dụng ủng cao su khi đi đến những nơi có chuột sinh sống, ngủ màn để tránh bị chuột cắn.


Khi tiếp xúc với chuột, bẫy chuột hoặc khi vệ sinh khu vực có chuột phải đeo khẩu trang, mang găng tay cao su và rửa tay bằng xà phòng. Dùng hóa chất sát khuẩn thông thường để vệ sinh nơi có chuột. Giữ vệ sinh, gọn gàng nơi ở, nơi làm việc để làm giảm sự phát triển của chuột. Xác chuột phải đốt hoặc bỏ vào túi ni lông 2 lớp và chôn ở độ sâu tối thiểu 50 cm. Thức ăn phải được đậy kín, không cho chuột tiếp xúc với thức ăn của người và gia súc. Nếu có hiện tượng sốt liên quan đến chuột cắn hoặc tiếp xúc với chuột hoặc chất thải của chuột cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.



Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN