Xã Tân Hợp là một xã khó khăn của huyện miền núi Văn Yên. Xã hiện có 14 thôn; trong đó, 4 thôn chưa có hệ thống điện lưới là các thôn: Khe Ca, Câu Dạo, Làng Lớn, Làng Mít. Chính vì vậy, cuộc sống của người dân nơi đây gặp muôn vàn khó khăn, niềm mong mỏi lớn nhất của họ lúc này là được nhà nước, ngành điện sớm đầu tư, xây dựng công trình điện lưới, giúp người dân ổn định cuộc sống sinh hoạt, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế.
Nhà ông Trần Hồng Điều ở thôn Khe Ca phải đầu tư hệ thống phát điện nước tốn hàng chục triệu đồng chỉ để cho các thành viên trong gia đình sử dụng chung được một vài bóng điện và 1 chiếc quạt. Ông Trần Hồng Điều chia sẻ, nhà ông còn may mắn hơn gần trăm hộ dân khác trong thôn vì còn có tiền để bỏ ra làm hệ thống phát điện nước.
Để có điện, ông và một số hộ dân có điều kiện trong thôn phải góp mỗi hộ khoảng 7 triệu để chung nhau xây dựng hệ thống đập bê tông ngăn nước và mỗi hộ mua 1 củ phát điện nước với giá từ 4- 6 triệu để lắp đặt trên dòng suối Ngòi Cạn trong thôn. Ngoài ra, hàng năm ông phải bỏ ra từ 1-2 triệu để tu sửa. Mặc dù bỏ ra số tiền rất lớn, nhưng cũng chỉ phục vụ những thiết bị điện sinh hoạt tối thiểu như ánh sáng, quạt còn các thiết bị khác như tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện thì không sử dụng được.
Anh Trần Quốc Thái là con trai ông Trần Hồng Điều, nhà cũng ở thôn Khe Ca chia sẻ thêm, vì không có điện, vợ anh làm giáo viên tại điểm trường trong thôn, mỗi lần đi in ấn, phô tô tài liệu, bài giảng thì đều phải ra tận trung tâm xã cách nhà hàng chục cây số. Con anh năm nay học lớp 4 nhưng buổi tối phải thắp đèn dầu cho cháu học. Khổ nhất là mùa hè, cả gia đình phải sống trong cảnh tối tăm và nóng bức.
Ông Vũ Duy Bắc, thương binh hạng 1/4, gia đình ở cạnh nhà văn hóa thôn Khe Ca cho biết, hàng chục năm nay, nhà ông sống vô cùng khó khăn vì thiếu điện. Hệ thống điện nước gia đình ông lắp đặt chỉ đủ chiếu sáng được một vài bóng điện, các khác thiết bị khác không đủ tải nên hầu như không sử dụng được.
Dù lắp đặt hệ thống điện nước tốn rất nhiều tiền nhưng cũng mất điện thường xuyên do thiết bị và đường dây bị trục trặc. Nhà ông ngay gần dòng suối Ngòi Cạn nên kéo điện còn về nhà còn thuận lợi, còn có những hộ dân ở xa, muốn có điện thì ngoài đầu tư hệ thống điện nước còn phải kéo đường dây dài hơn 2km mới về được nhà.
Tốn kém là vậy, nhưng chỉ cần lũ quét qua dòng suối Ngòi Cạn là gần như toàn bộ hệ thống điện nước của một số hộ dân các thôn Khe Cả, Câu Dạo, Làng Lớn, Làng Mít bị cuốn sạch hoặc hư hỏng nặng, không sử dụng được. Từ đầu năm đến nay, đã 5 lần lũ quét qua dòng suối Ngòi Cạn gây thiệt hại nặng nề cho các hộ dân lắp đặt hệ thống điện nước ở đây.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hợp, Triệu Đình Khôi cho biết, hiện tại các thôn Khe Ca, Câu Dạo, Làng Lớn, Làng Mít có 360 hộ dân với gần 1.500 nhân khẩu đang sinh sống tại đây, hầu hết người dân trong các thôn này là người dân tộc Tày. Vì không có điện lưới, nên các hộ dân gặp muôn vàn khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt.
Một số hộ dân có điều kiện tự lắp đặt hệ thống điện nước tại các dòng suối thì lại nảy sinh nhiều rủi ro, nguy hiểm cho chính người dân tại đây do không có biển cảnh bảo, hệ thống đường dây điện chằng chịt, rất dễ chập và hở điện. Đã có nhiều trường hợp người dân đi làm đồng và bắt cá ở các con suối bị điện giật gây thương tích.
Huyện Văn Yên hiện có 38/312 thôn với khoảng 3.400 hộ dân chưa có điện lưới quốc gia. Theo ông Hà Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, dự kiến đến hết năm 2018, sẽ phấn đấu hoàn thành việc cấp điện lưới cho 4 thôn trong tổng số 38 thôn chưa cho điện. Huyện mong muốn tỉnh Yên Bái và ngành điện sớm đầu tư, xây dựng các công trình điện, giúp các hộ dân trong huyện được sử dụng điện lưới quốc gia.