Trước nguy cơ bệnh dịch hạch có thể xâm nhập vào Việt Nam, ngày 4/12, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Trần Đắc Phu cho biết: Bệnh dịch hạch có thể được điều trị khỏi bằng các loại kháng sinh thông thường như Streptomycin, Chloramphenicol, Tetracycline, Sulfonamide. Người mắc bệnh phải được điều trị sớm kể từ khi bệnh phát và kéo dài đủ liều, đủ thời gian để tránh các biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong.
Ông Trần Đắc Phu cũng cho biết: Song song với việc điều trị bằng kháng sinh, người bệnh cần phải điều trị triệu chứng chống nhiễm độc thần kinh, chống rối loạn thần kinh nội tiết, rối loạn đông máu, rối loạn cân bằng kiềm toan, nhất là trong các trường hợp bệnh nặng. Việc phòng, chống dịch hạch chủ yếu là giám sát vật chủ, véc tơ và vi sinh vật; phát hiện sớm bệnh nhân và điều trị kịp thời bệnh nhân dịch hạch; điều trị dự phòng với những người tiếp xúc và có nguy cơ lây bệnh; diệt chuột và diệt bọ chét.
Theo Cục Y tế dự phòng, dịch hạch là bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm A, rất nguy hiểm vì diễn tiến bệnh nhanh, tốc độ lây lan mạnh và tỷ lệ tử vong cao. Người mắc bệnh dịch hạch có triệu chứng khởi phát đột ngột như ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau bụng, buồn nôn và sốt cao 39 độ C đến 40 độ C, hoại tử các mô và cơ quan trong cơ thể dẫn đến tử vong. Có nhiều thể lâm sàng nhưng phổ biến nhất là dịch hạch thể hạch (chiếm hơn 90% các thể bệnh). Còn các thể phổi, thể nhiễm khuẩn huyết và thể màng não rất ít gặp, thường là thể thứ phát sau thể hạch. Trong đó, dịch hạch thể phổi là thể nguy hiểm nhất vì có thể lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp từ người bệnh sang người lành, dẫn đến bùng nổ thành dịch lớn; đồng thời tỷ lệ tử vong rất cao.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên vệ sinh môi trường, bố trí và sắp xếp vị trí cũng như cấu trúc nhà ở và kho tàng hợp lý tránh chuột chui rúc và làm tổ. Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện các biện pháp diệt chuột, bọ chét, phá hủy nơi sinh sản của chuột; thực phẩm ăn, uống phải được che, đậy an toàn..., tránh để chuột tiếp xúc. Khi thấy nhiều chuột chết bất thường, phải báo ngay cho cơ quan y tế nơi gần nhất; không diệt chuột khi đang xảy ra dịch ở chuột và ở người. Khi có các biểu hiện nghi dịch hạch (sốt, nổi hạch…), người dân phải đến ngay cơ sở y tế để khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Riêng đối với các địa phương có dịch hạch lưu hành, vùng có nguy cơ phải thường xuyên theo dõi kết quả giám sát dịch tễ học dịch hạch để chủ động phòng chống bệnh dịch; phối hợp với các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu kiểm tra, giám sát chặt chẽ phương tiện vận chuyển, hàng hóa, động vật nhập khẩu vào nước ta.
Thu Phương