Chuyện về nữ Công dân ưu tú của Hà Nội: Có “hiểu”, mới “thương”...

“Tôi tên đầy đủ là Nguyễn Thị Đức Hiền, các bạn đừng quên chữ “Thị” của tôi nhé, rất quan trọng đó. Trước kia, vì không có chữ “Thị” nên tôi đã từng được gọi đi nghĩa vụ quân sự, còn khi học ở một trường chuyên cấp III, học bổng đã bị cắt một phần vì đó là phần dành riêng cho các nữ sinh. Bởi vậy, khi vào đại học, mẹ phải xin mãi thì tên tôi mới có thêm chữ “Thị”, bác sĩ Hiền, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Nội, Bệnh viện Xanh Pôn, hóm hỉnh mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

Muốn “hồng” phải “chuyên”

Thái độ cởi mở, dễ gần lúc này của bác sĩ (BS) Hiền khác xa so với những gì mà chúng tôi mường tượng khi chị từ chối hẹn phỏng vấn sau ngày được trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2011. Thật bõ công cho cánh nhà báo chúng tôi đã phải vất vả hẹn hò, thậm chí phải nhờ cả đến sự chi viện của lãnh đạo bệnh viện mới có được những giây phút này.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Đức Hiền. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Tiếp chúng tôi trong một không gian chật hẹp được tận dụng làm phòng giao ban của khoa Hồi sức cấp cứu Nội, với rất nhiều bằng khen, giấy khen, lẵng hoa…, BS Hiền vui vẻ nói: “Thông cảm nhé, mình bận quá nên giờ mới bố trí gặp các bạn được. Nhưng quả thực, mình rất ngại nói về mình, mọi việc mình đã làm đều chỉ đơn giản là làm tốt trách nhiệm của người thầy thuốc mà thôi”.

BS Hiền tâm sự, bước đường đến với ngành y đối với chị là một cơ duyên được định trước. Gần 40 năm trước, cô nữ sinh Nguyễn Thị Đức Hiền rất thích học ngoại ngữ nên dự định sẽ thi vào Trường Đại học Ngoại thương. Thế nhưng, khi đi khám sức khỏe để làm hồ sơ dự thi đại học, thái độ lạnh lùng của vị BS nọ trong quá trình thăm khám đã khiến Hiền rất sợ hãi, bức xúc. Vì vậy, Hiền đã thay đổi quyết định, nộp đơn thi vào khối B để sau này trở thành một BS chữa bệnh cứu người.
“Cho đến nay, tôi vẫn không thể quên âm thanh khô khốc của chiếc đè lưỡi mà người BS đó ném mạnh vào cái khay kim loại trên bàn. Ấn tượng đó luôn nhắc nhở tôi là cần phải quan tâm, đồng cảm với người bệnh”, BS Hiền tâm sự.

Cảm nhận được tâm tư của người bệnh từ khi còn rất trẻ như vậy nên suốt những năm gắn bó với nghề y, BS Hiền luôn chú trọng tới vấn đề ứng xử đối với bệnh nhân, chị cũng thường xuyên nhắc nhở điều này với những đồng nghiệp trong khoa.

“Nhưng tôi không đồng ý rằng cứ nói đến y đức của người thầy thuốc là nói tới ứng xử, phong bì… Một người thầy thuốc có y đức là người có trình độ chuyên môn cao, làm tốt công việc khám chữa bệnh của mình. Khi người thầy thuốc có đầy đủ kiến thức, năng lực chuyên môn, tay nghề vững, có đủ bản lĩnh trước những ca bệnh hiểm nghèo thì chắc chắn phần lớn sẽ tự tin, đối xử đàng hoàng với người bệnh”, BS Hiền nhấn mạnh.

Bởi vậy, gần 30 năm qua, không một ngày nào mà chị không dành thời gian để cập nhật kiến thức chuyên môn. “Tôi đăng ký vào các trang web chuyên ngành uy tín để họ gửi thông tin mới cho mình. Đọc xong, tôi lại trao đổi ngay với các đồng nghiệp trong khoa. Ngoài ra, ở khoa cũng có hệ thống Internet để mọi người có thể tra cứu tài liệu bất cứ lúc nào”, BS Hiền chia sẻ.

“Có khi nào một giấc ngủ bình yên?”

Hiện nay, khoa Hồi sức cấp cứu Nội có khoảng 40 người, trong đó đa số là cán bộ nữ. Trong khi đó, đây là một môi trường có cường độ làm việc hết sức căng thẳng, nặng nhọc, thậm chí là độc hại và lây nhiễm cao. Những bệnh nhân được cấp cứu và điều trị ở đây đều rất nặng, phần lớn là trong tình trạng nguy kịch như: Suy hô hấp, suy tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, các nhiễm trùng nặng...

“Khoa cấp cứu luôn luôn không yên tĩnh
Có khi nào một giấc ngủ bình yên?”

Những vần thơ do người nhà bệnh nhân dành tặng cho các “chiến sỹ áo trắng” đã nói lên được không khí làm việc căng thẳng ở tập thể khoa, phòng của nữ BS trưởng khoa đầy tâm huyết này. Đã hàng chục năm qua, chưa có đêm nào BS Hiền có được một giấc ngủ trọn vẹn, đôi khi là những cú điện thoại hội chẩn khẩn cấp lúc nửa đêm hoặc khi là những chuyến taxi hối hả lúc gần sáng, đưa chị đến bệnh viện để hỗ trợ đồng nghiệp trong những ca bệnh khó. Và cứ khi nào đến bệnh viện, khoác lên người chiếc áo trắng là chị quên hết mọi việc riêng tư. Và cứ như thế, ngày nào cũng vậy, công việc nối tiếp công việc, nào là chuyên môn, nghiên cứu khoa học, nào là giảng dạy, chỉ bảo cho các lớp đàn em, các học sinh, sinh viên của mình…

Luôn làm việc hết mình, tận tụy hết lòng vì người bệnh, vậy mà không ít lần BS Hiền và đồng nghiệp của mình từng phải khóc vì sự nhiếc móc vô lý, thậm chí phỉ báng của người bệnh hoặc thân nhân của họ. Một số người bệnh ngừng tim từ trước khi đưa tới BV, nhưng người nhà của họ khi vừa bước chân vào cửa khoa đã la hét và chỉ thẳng vào mặt các BS mà mắng té tát, có trường hợp bệnh nhân còn đạp thẳng vào bụng nhân viên y tế khi nữ y tá này đang mang thai… “Nhìn anh chị em xanh xao sau những đêm trực vất vả, cố gắng hết sức để cứu sống người bệnh mà vẫn phải gánh chịu những hành động, những lời chửi bới vô lối đó, thương lắm”, BS Hiền thoáng buồn nói.

BS Hiền khẳng định rằng, ở đâu không biết chứ ở khoa của chị, từ hộ lý, điều dưỡng đến BS đều rất tận tình với người bệnh và rất tự trọng. “Tôi sợ nhất là đang cấp cứu mà người nhà bệnh nhân cứ xông vào và thọc tay vào túi áo BS để đưa phong bì, tôi bị rách áo nhiều lần như thế rồi. Rất nhiều người nhà bệnh nhân hoặc bệnh nhân đã kể lại rằng họ đã rất ngạc nhiên khi thấy cán bộ của tôi từ chối nhận phong bì dù thời điểm đó là giữa đêm rét mướt, lúc đưa bệnh nhân đi chiếu chụp Xquang chẳng hạn, chỉ có gia đình người bệnh và cán bộ của tôi”.

Chị cũng tâm sự rằng, chị không giáo điều đến mức độ cấm cán bộ của mình nhận phong bì. “Chúng tôi không đòi hỏi, nhưng nếu cảm thấy xứng đáng thì tôi cho phép anh chị em nhận và nhận một cách đàng hoàng. Sau khi cứu sống bệnh nhân, nhiều gia đình đã đến và cảm ơn chúng tôi với thái độ trân trọng thì chúng tôi có thể nhận sự cảm ơn đó chứ, còn nếu đưa dấm dúi với mục đích khác thì là sự xúc phạm đối với chúng tôi”.

Có “hiểu”, mới “thương”

Đồng cảm với những khó khăn, vất vả của đồng nghiệp nên ở cương vị là một BS trưởng khoa, bên cạnh việc chú trọng phát triển chuyên môn kỹ thuật, nâng cao chất lượng chẩn đoán và hiệu quả điều trị, BS Hiền luôn trăn trở một câu hỏi: Làm thế nào để các đồng nghiệp của mình phát huy hết sở trường trong một môi trường làm việc nghiêm túc, nhưng thân thiện và cởi mở.

“Năm 1995, tôi được bổ nhiệm làm trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Nội. Cũng trong năm đó, tôi đã thi đỗ và theo học một chương trình chuyên khoa sâu về hồi sức cấp cứu, tại trường Đại học y Lille của Pháp. Chuyến đi này đã trang bị cho tôi rất nhiều kiến thức cũng như phong cách làm việc, để tôi có thể áp dụng trong quá trình điều trị cũng như quản lý tại khoa, phòng của mình”, BS Hiền cho hay.

Khác với các khoa, phòng khác trong bệnh viện, sáng nào cũng vậy, tại khoa Hồi sức cấp cứu Nội, sau phần giao ban của các BS là phần giao ban của các điều dưỡng viên về từng bệnh nhân, yêu cầu nêu rõ về lượng nước tiểu, ăn như thế nào, nhiệt độ, huyết áp ra sao… Do đó, các điều dưỡng viên có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ diễn biến của toàn bộ bệnh nhân trong khoa, kịp thời phát hiện, báo cáo BS để có những xử trí kịp thời…

Không chỉ chú trọng vào việc cập nhật kiến thức, tổ chức quản lý khoa theo mô hình hiện đại, BS Hiền còn rất sáng tạo trong việc cải tiến kỹ thuật và có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều trị; ví như sáng kiến “Cáng cải tiến và kỹ thuật thu gom chất thải cho bệnh nhân sốc giảm thể tích do tiêu chảy cấp” mà chị đưa vào ứng dụng trong vụ dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm năm 2008 đã được cấp trên đánh giá cao về hiệu quả cũng như tính ứng dụng cho người bệnh…

Với những sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm và nghiêm túc trong quá trình thực hiện đó của BS Hiền, nên kể từ ngày thành lập đến nay, khoa Hồi sức Cấp cứu Nội, Bệnh viện Xanh Pôn, luôn là một trong những khoa dẫn đầu trong công tác chuyên môn, nề nếp làm việc cũng như phong cách phục vụ người bệnh của ngành y tế Thủ đô.

“Tôi nghĩ rằng hiện nay còn nhiều người chưa hiểu lắm về công việc của ngành y nên vẫn nhìn chúng tôi bằng ánh mắt rất khắt khe. Vậy nên, sau này nếu có thời gian, tôi sẽ viết sách, viết về công việc của chúng tôi, về những ứng xử trong cuộc sống… Có “hiểu” thì mới “thương” mà”, BS Hiền “bật mí” trước khi chia tay.

Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN