Chuyển đổi cây trồng hiệu quả kinh tế

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, vụ mùa này, các tỉnh Tây Nguyên đã chuyển hàng chục ngàn ha đất nương rẫy gieo trồng các loại cây ngắn ngày, cây công nghiệp dài ngày kém hiệu quả kinh tế, sang trồng ngô lai, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, diện tích ngô trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã tăng lên gần 242.000 ha, sản lượng đạt gần 1,3 triệu tấn ngô hạt/năm; trong đó Đắk Lắk là địa phương có diện tích, sản lượng cao nhất, với trên 117.000 ha, sản lượng gần 600.000 tấn.


Các tỉnh Tây Nguyên đã tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc chuyển đất nương rẫy gieo trồng lúa cạn, sắn (mỳ), cà phê, điều kém hiệu quả sang trồng ngô. Các địa phương cũng tạo điều kiện cho đồng bào các tộc vay vốn ngân hàng, hỗ trợ ngô giống miễn phí giúp bà con đầu tư phát triển cây ngô. Các tỉnh Tây Nguyên cũng xây dựng nhiều mô hình trình diễn, mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây ngô cho đồng bào các dân tộc thiểu số; đưa các giống ngô lai như DK888, G49, NK46, LVN10... vào gieo trồng đại trà.


Trên diện tích trồng ngô, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên còn trồng xen canh các loại cây đậu đỗ… Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tận dụng xen canh các cây trồng khác trên cùng một diện tích, hàng trăm hộ gia đình đồng bào dân tộc Ê Đê ở vùng sâu, vùng xa của các huyện Krông Bông, Ea H’Leo, Krông Pắk... đã có thu nhập hàng chục triệu đồng/vụ từ cây ngô lai.


Để nâng cao giá trị sản phẩm ngô, các tỉnh Tây Nguyên cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến ngô, chủ yếu tinh chế để nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho người trồng ngô.


Quang Huy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN