Đến nay, "cánh đồng ma" này đã trở thành một khu sản xuất màu mỡ mang lại cơm no, áo ấm cho người dân.
Cuối những năm 80, đời sống của đồng bào dân tộc Mông xã Pá Lau nói riêng và đồng bào dân tộc huyện Trạm Tấu nói chung còn gặp nhiều khó khăn, do tập quán canh tác lạc hậu, cùng với nhiều hủ tục không còn phù hợp với nếp sống mới. Diện tích đất canh tác nhiều nhưng lại bị bỏ hoang, người dân vẫn thiếu đất canh tác, đặc biệt diện tích trồng lúa nước.
Toàn bộ cánh đồng Lậm Lùng trước đây là một đầm lầy với nhiều loại cây cỏ dại mọc um tùm. Người dân trong xã dù thiếu ruộng để sản xuất lúa, nhưng vẫn không ai chịu khai hoang khu vực này để sản xuất.
Thấy cuộc sống của người dân còn khó khăn vì mang nặng tư tưởng lạc hậu, ông Giàng A Thào quyết tâm đuổi "con ma" trong nhận thức của đồng bào để biến nơi đây thành một khu sản xuất màu mỡ giúp người dân ổn định cuộc sống. Ông Thào tâm sự, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, ông hiểu rõ con người đồng bào Mông mình, thật thà chất phác lại cũng cả tin, thấy lời đồn là cánh đồng có ma nên không ai chịu canh tác ở khu vực này. Vì vậy, bà con thiếu đất sản xuất dẫn đến đói nghèo.
Nghĩ là làm, ông Thào đã tìm đến cánh đồng Lậm Lùng để khai hoang. Ban đầu sự kiên trì, nhẫn nại của ông trong công tác tuyên truyền, vận động người dân khai hoang cánh đồng này không mang lại kết quả. Vì ai cũng sợ ma bắt, có người còn cho rằng, ông bị ma làm nên mới có những ý nghĩ khác người như vậy. Với quyết tâm cao, ông đã một mình xuống đồng khai hoang phát cỏ, be bờ, dẫn nước, mặc dù với nhiều khó khăn nhưng người đảng viên này vẫn không bỏ cuộc. Một mình ông gieo cấy trên diện tích vài trăm mét vuông. Đất không phụ công người, cả 3 vụ lúa của ông đều thắng lớn. Lúc ấy, ông mới có thể xóa bỏ những hoài nghi về cánh đồng có ma của gia đình, người thân và đồng bào trong bản.
Già làng Thào A Sở ở thôn Giao Lâu xã Pá Lau chia sẻ: Ngày ấy, thấy ông Thào một mình khai hoang ruộng, ông cũng hoang mang, chỉ sợ ông ấy bị làm sao. Sau đó, thấy ông Thào không những được mùa lớn mà còn khỏe mạnh, trưởng thành trong công tác. Mọi người trong bản dần dần làm theo. Mấy năm nay, mùa màng bội thu, toàn bộ cánh đồng Lậm Lùng đã trở thành một khu sản xuất màu mỡ.
Câu chuyện Bí thư Thào "bắt ma" ở Lậm Lùng được người dân trong xã kể cho nhau nghe trong mỗi vụ lúa xuân. Chuyện đã qua nhiều năm nhưng tinh thần trách nhiệm, sự tiên phong gương mẫu của người đảng viên mãi là một bài học quý giá. Đến nay, Pá Lau đã không còn một thửa ruộng, một cánh đồng nào bị bỏ hoang. Người dân tấp nập xuống đồng khai hoang ruộng nước, sản xuất đúng tiến độ.
Chị Giàng Thị Ly, thôn Pá Lau, xã Pá Lau cho biết, thấy ông Thào làm ruộng ở đây năm nào cũng được mùa, nhiều thế hệ gia đình chị về đây khai hoang ruộng nước để sản xuất. Giờ cả xã tin rằng, trên đời này chẳng có con ma nào về bắt người dân cả. Chỉ có lười lao động mới bị đói nghèo thôi.
Anh Hờ A Trư bộc bạch, làm ruộng ở đây tốt lắm, vụ nào cũng được mùa. Anh và người dân ở đây rất biết ơn ông Thào, vì ông Thào là người đầu tiên khai hoang cánh đồng này, giúp anh và mọi người biết rằng không có con ma nào ở cánh đồng.
Cánh đồng Lậm Lùng đã đem lại cho người dân nơi đây những mùa vàng bội thu. Ông Thào là người đã khơi dậy phong trào khai hoang ruộng nước cho đồng bào Mông ở Pá Lau, biến những mảnh đất hoang thành những cánh đồng màu mỡ xanh tươi, giúp đồng bào ổn định cuộc sống.
Hiện nay, với cương vị người đứng đầu Đảng bộ huyện Trạm Tấu, ông Thào cùng tập thể cấp ủy, chính quyền của huyện luôn đoàn kết, thống nhất cao trong công tác chỉ đạo, triển khai các mặt nhiệm vụ của huyện. Chính từ sự gần gũi, đi sâu đi sát cơ sở, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu của ông Thào, tập thể cấp ủy, chính quyền huyện Trạm Tấu đã lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ và đạt được những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Năm 2018, hầu hết các chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp năm 2018, huyện Trạm Tấu đều đạt và vượt chỉ tiêu như: Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực 6.847,1 ha, đạt 111,4% kế hoạch tỉnh giao, đạt 101,6% kế hoạch chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, tăng 351,9 ha so với năm 2017. Tổng sản lượng lương thực 22.759,4 tấn, tăng 710,7 tấn so với năm 2017. Tổng đàn gia súc 32.758 con, đạt 100,2% chỉ tiêu Nghị quyết, tăng 1.320 con so với năm 2017; tổng đàn gia cầm 113.171 con, đạt 103,9% chỉ tiêu Nghị quyết, tăng 10.446 con so với năm 2017...
Với vai trò là người đứng đầu huyện, nhưng ông Thào vẫn luôn mộc mạc, giản dị, gần gũi với cây lúa, cây ngô và bà con nông dân. Ông được người dân địa phương tin tưởng và yêu mến.