Chung tay giúp đỡ người khuyết tật - Vượt lên tật nguyền

Để giúp đỡ người khuyết tật hòa nhập cuộc sống, không chỉ cần những chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà còn cần sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp và cả cộng đồng.


Vượt lên tật nguyền

Hiện nay, nhiều người khuyết tật không có nghề nghiệp, khá đông người sống ở nông thôn, 37% người khuyết tật thuộc hộ nghèo. Những điều này càng làm cho cuộc sống của họ trở nên khó khăn. Trong khi đó, sự giúp đỡ của các doanh nghiệp, xã hội với người khuyết tật mặc dù đã có nhưng vẫn chưa đủ.


Xương rồng nở hoa


Hình ảnh “Xương rồng vẫn nở hoa” được Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) dành để nói về những người khuyết tật (NKT), đặc biệt là những bà mẹ khuyết tật đơn thân gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng vẫn vươn lên chiến thắng số phận. Theo số liệu thống kê của ACDC, có đến 58% số NKT trên cả nước là nữ giới, 75% trong số họ đang sống tập trung ở khu vực nông thôn và gặp rất nhiều khó khăn. Sự thiếu thốn về vật chất và mặc cảm về tinh thần khiến những phụ nữ khuyết tật đơn thân và cả những đứa con của họ khó hòa nhập cuộc sống.

Người khuyết tật học nghề sửa chữa xe máy tại Trung tâm dạy nghề, giới thiệu, giải quyết việc làm cho người tàn tật tỉnh Hà Tĩnh.
Ảnh: Nguyễn Thủy – TTXVN


Những phụ nữ không chồng mà có con thường rất khó được xã hội chấp nhận. Họ bị dè bỉu, kì thị bởi chính người thân, cộng đồng dân cư nơi mình sinh sống. Chị Nguyễn Lan Anh, Giám đốc ACDC cho biết: “Những phụ nữ khuyết tật nói chung đã vất vả, bà mẹ khuyết tật chọn con đường nuôi con một mình thì vất vả tăng lên gấp bội. Chúng ta cần phải mang tiếng nói của các chị gần hơn nữa với cộng đồng để cộng đồng có sự cảm thông với các chị”.
Chị Phùng Thị Hậu (xã Đồng Thái, Ba Vì, Hà Nội) lớn lên trong một gia đình có 8 anh chị em. 6 tháng tuổi, chị mắc căn bệnh bại liệt và trở thành người tàn tật.


Lớn lên, cũng như bao người phụ nữ khác, chị Hậu khát khao có một đứa con cho vui cửa vui nhà. Cuộc đời không mấy khi chiều lòng ai nhưng không cướp hết của ai bao giờ. Không có chồng, bù lại, chị có một bé trai kháu khỉnh. “Trước đây sống một mình thế nào cũng được, giờ có thêm cháu tôi phải cố gắng hơn rất nhiều. Đã thiếu thốn tình cảm của cha, tôi không muốn con mình phải thiếu thốn về cả vật chất. Hiện giờ tôi đang làm nghề thu lượm phế liệu để có tiền nuôi cháu”, chị Hậu rơm rớm nước mắt khi nhắc đến những khó khăn của việc nuôi con một mình.

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 5,3 - 5,5 triệu người khuyết tật, trong đó có 2 - 3 triệu người còn khả năng lao động và muốn làm việc để cải thiện cuộc sống của chính mình cũng như đóng góp cho xã hội.


Để trợ giúp cho phụ nữ khuyết tật đơn thân, chị Lan Anh, giám đốc ACDC cho biết, ACDC đã tổ chức triển lãm ảnh “Xương rồng vẫn nở hoa” trưng bày những bức ảnh về các chị để nhiều người hiểu và thông cảm. ACDC còn có những hoạt động như tập huấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, cách tiếp cận nguồn vốn cho phụ nữ khuyết tật, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp cùng chung tay ủng hộ phụ nữ khuyết tật đơn thân…
Tạo thêm nhiều cơ hội


Ngày 13/4/2013 tại Hà Nội, hàng trăm NKT sống ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đã đến dự “Ngày hội việc làm hòa nhập NKT lần 2” do Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên thuộc Thành đoàn Hà Nội tổ chức. Ngày hội việc làm đã thu hút sự tham gia của hơn 30 đơn vị là các doanh nghiệp, các trung tâm học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, các cơ sở sản xuất của NKT… Sau ngày hội, ban tổ chức cho biết, có khoảng hơn 300 NKT đã tìm được công việc phù hợp với bản thân mình.


Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên Hà Nội, bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh cho biết, từ khi Luật Người khuyết tật có hiệu lực (năm 2011), Luật đã tạo cơ hội để NKT trực tiếp tiếp cận việc làm. Trung tâm còn mời chuyên gia nước ngoài tư vấn về việc làm cũng như chính sách, pháp luật cho NKT trong khuôn khổ ngày hội việc làm. Ngoài ra, còn tặng mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho NKT, tặng 10 suất học bổng học nghề cho thanh niên khuyết tật. Ngày hội việc làm hòa nhập NKT là hoạt động thường niên của Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên Hà Nội. Trong năm 2012, hơn 80 NKT đã tìm được việc và hơn 100 NKT được tuyển sinh học nghề tại Ngày hội này.


Nhằm nâng cao kĩ năng sống và chuyên môn công việc cho những NKT có ý chí vươn lên trong cuộc sống, Hội Cựu chiến binh Mỹ (VVAF) chọn phương pháp tặng học bổng và tạo cơ hội thực tập tại các doanh nghiệp cho những cá nhân khuyết tật xuất sắc. Anh Phạm Quang Khoát, một NKT vận động là một trong số ít người được tham gia vào dự án này. Trong thời gian tham gia câu lạc bộ Ước mơ xanh (một câu lạc bộ trợ giúp NKT), anh Khoát cùng 9 NKT khác đã được VVAF tuyển chọn để tham gia vào dự án trợ giúp người khuyết tật ở Việt Nam.


Mỗi người một hoàn cảnh nhưng để được tuyển chọn, tất cả phải có nghị lực vươn lên trong cuộc sống và có năng lực làm việc thật sự. “Tháng 12 năm ngoái, tôi đã kết thúc dự án ở VVAF. Quãng thời gian được đào tạo trong dự án đã giúp tôi có thêm các kĩ năng về văn phòng, ngoại ngữ, kĩ năng mềm. Qua đó, chúng tôi cảm thấy rất tự tin trong cuộc sống và đặc biệt là khi đi làm tại một công ty nào đó”, Khoát chia sẻ.

Bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Hà Nội:

Một số quy định giúp người khuyết tật chưa được thực hiện

Hiện nay một số quy định như trợ cấp cho NKT, đặc biệt là NKT nặng hoặc làm việc nặng đã được thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng gặp phải một số vướng mắc. Chẳng hạn như việc NKT phải có giấy xác nhận khuyết tật, mà giấy đó thì lại chưa được phổ biến. Việc yêu cầu các công trình công cộng phải tạo điều kiện cho NKT cũng đã có nhưng vẫn chưa thực hiện được. Theo tôi, các cơ quan thẩm định xây dựng công trình cần kiểm tra kĩ thuật các hồ sơ thiết kế ngay từ ban đầu và kiểm tra giám sát trong quá trình xây dựng để các công trình này đảm bảo cho NKT tiếp cận được, từ đó họ mới có thể làm việc, giao lưu và tham gia vào các hoạt động xã hội.

Chị Nguyễn Lan Anh, Giám đốc Trung tâm ACDC:

Khó áp dụng một số điều khoản Luật Người khuyết tật

Luật Người khuyết tật ra đời đã mở ra nhiều cơ hội cho NKT tham gia các hoạt động cũng như phát huy khả năng của bản thân. Đã có những chính sách trợ giúp NKT như trợ cấp hàng tháng, các ưu tiên trong việc làm, các chính sách tiếp cận giao thông… Tuy nhiên, vẫn còn một số điều khoản trong Luật khó áp dụng trong thực tế. Sự quan tâm của xã hội đã có nhưng NKT cần sự quan tâm nhiều hơn nữa dưới các hình thức không chỉ là từ thiện mà quan trọng hơn là giúp đỡ, tạo cơ hội việc làm cho họ có thu nhập tự nuôi sống bản thân và sống tự tin hơn.

Chị Nguyễn Thị Thủy, CLB thể thao dành cho NKT thành phố Hà Nội:

Đừng thương hại, hãy cảm thông

Tôi không muốn mọi người nhìn mình bằng cái nhìn thương hại, tôi chỉ cần sự cảm thông. Nếu được quan tâm tạo điều kiện, có việc làm phù hợp để có thu nhập nuôi sống bản thân thì những NKT như chúng tôi sẽ bớt mặc cảm và giảm bớt gánh nặng cho người thân, gia đình và xã hội.


Theo bà Phan Thị Bích Diệp, Phó Chủ tịch thường trực Hội Người khuyết tật TP Hà Nội, con đường giải quyết việc làm cho NKT hiện nay rất đa dạng với nhiều hình thức khác nhau. Họ có thể tự sản xuất kinh doanh tại gia đình hoặc địa phương có nghề truyền thống. Ngoài ra, có thể mở những dịch vụ mà NKT có thể làm được, mở các cơ sở sản xuất riêng... “Về phía Hội Người khuyết tật Hà Nội, để giúp NKT sản xuất, kinh doanh ở nhà đạt hiệu quả thì chúng tôi có các sự trợ giúp cho họ như mở lớp tập huấn, cung cấp cho NKT những kiến thức cơ bản về quản lý sản xuất kinh doanh nhỏ, marketing, quản lý tài chính, ghi chép sổ sách kế toán hoặc quản lý nguồn nhân lực... Những khóa tập huấn như vậy được anh chị em rất hoan nghênh. Nó giúp cho họ rất nhiều trong việc kinh doanh nhỏ”, bà Diệp cho biết.


Thời gian qua, Hội Người khuyết tật Hà Nội đã là cầu nối giúp NKT tiếp cận được nguồn vốn của Nhà nước, nhất là những nguồn vốn có lãi suất thấp của ngân hàng chính sách, các đơn vị bảo trợ xã hội. Trong năm 2013, ngân hàng chính sách Hà Nội thông qua Hội đã hỗ trợ cho NKT số tiền lên tới 8 tỷ đồng. Mỗi NKT trên địa bàn Thủ đô được vay trong khoảng từ 15 đến 20 triệu đồng trong vòng 2 năm.


Không chỉ tạo cơ hội tiếp cận việc làm cho NKT, trong tháng 4/2013, rất nhiều hoạt động khác đều hướng đến sự bình đẳng cho NKT trong xã hội. Tiêu biểu phải kể đến cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”. Đây là cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam nhằm tôn vinh nét đẹp của nữ thanh niên khuyết tật.


Hội Người khuyết tật Việt Nam cũng phối hợp với các hội thành viên tổ chức giao lưu nghệ thuật “Trái tim không khuyết tật” nhằm tôn vinh các doanh nghiệp cũng như những NKT tiêu biểu vào lúc 20 giờ ngày 18/4 tại nhà hát Âu Cơ (Hà Nội). Bên cạnh đó, cứ 3 năm một lần, Hội Người khuyết tật Việt Nam tổ chức hội nghị toàn quốc để biểu dương NKT.


Nhiều doanh nghiệp chưa “mặn mà”


Bên cạnh nhiều chính sách quan tâm, ưu đãi của Nhà nước, vẫn rất cần sự chung tay của toàn xã hội, nhất là các doanh nghiệp, trong việc giúp đỡ NKT tự vươn lên. Bởi thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa “mặn mà” trong việc tuyển dụng NKT, một phần vì sự thiếu tin tưởng vào năng lực của NKT.


Chula Fashion (Tây Hồ, Hà Nội) là doanh nghiệp may mặc được sáng lập bởi một cặp vợ chồng người Tây Ban Nha vào năm 2006. 49 trong số 56 nhân viên đang làm việc tại đây là NKT, đa số là khiếm thính. Họ được hỗ trợ để đảm nhiệm mọi vị trí từ thêu ren, may cắt, lãnh đạo nhóm, thiết kế trang web, bán hàng… Chị Lưu Thị Miền (28 tuổi, quê Nam Định) bị khiếm thính đã có 4 năm làm việc ở Chula, cho biết, làm việc ở đây rất ổn định, công việc mang tính sáng tạo, rất thú vị. Mỗi tháng chị Miền tiết kiệm được khoảng 1,5 triệu đồng.


Tháng 2/2011, Chula là một trong những doanh nghiệp được nhận giải thưởng Dải băng xanh của Hội đồng tư vấn người sử dụng lao động về việc làm cho NKT (BREC). Đây cũng là một trong số ít các cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT hiện có tại Việt Nam.


Hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng “nhiệt tình” chào đón NKT như Chula. Anh Phạm Quang Khoát phải thừa nhận một thực tế rằng còn nhiều DN chưa quan tâm cũng như tin tưởng vào khả năng của NKT. Bản thân anh Khoát là NKT nên anh hiểu được NKT có khả năng đóng góp cho xã hội. Việc anh Khoát mở một công ty riêng về các sản phẩm handmade và dịch vụ tư vấn tâm lí cũng là để tạo nhiều cơ hội hơn nữa cho NKT. Nhưng nếu chỉ mình anh Khoát làm thì e rằng rất khó.


Để tạo điều kiện cho NKT vươn lên, Luật Người khuyết tật đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2011. Luật chỉ rõ, Nhà nước tạo điều kiện để NKT phục hồi chức năng lao động, được tư vấn việc làm miễn phí, có việc làm và làm việc phù hợp với sức khỏe và đặc điểm của NKT. NKT tự tạo việc làm hoặc hộ gia đình tạo việc làm cho NKT được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh… Tuy vậy, để triển khai Luật vào cuộc sống thì vẫn còn những vướng mắc.


Bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Hà Nội cho biết, NKT gặp khó khăn khi học nghề để tiếp cận công việc. Khi NKT mong muốn được học nghề thì họ đến những trung tâm giới thiệu việc làm và dạy nghề cho NKT để đăng kí học nhưng vì thời gian ngắn nên để có được một tay nghề tốt tiếp cận với thị trường lao động là rất khó. “Do vậy, cần có một thời gian dạy nghề dài hơn và ổn định hơn để NKT có được một tay nghề vững chắc và có thể hòa nhập được”, bà Vân nói.


Theo bà Vân, khó khăn của NKT khi tìm việc còn ở chỗ, các doanh nghiệp, tổ chức chưa thật sự tạo điều kiện tốt nhất cho NKT phát triển. Chỉ nói riêng việc đi lại ở nơi làm việc, đối với NKT vận động, họ sẽ rất khó khăn trong việc đi lại ở những nơi cầu thang nhiều bậc, các bậc cao và không có hệ thống thang máy. Có doanh nghiệp lại chưa xây dựng được một hệ thống chính sách về môi trường công tác giúp cho NKT có thể chuyên tâm làm việc nên có một số người được tuyển dụng vào làm rồi, nhưng một thời gian sau lại bỏ việc.


Hoàng Dương - Tuấn Anh - Tiến Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN