Chú trọng phát triển Đảng ở cơ sở

Là huyện có địa bàn rộng, dân số đông, chủ yếu là dân di cư từ các địa bàn khác tới, nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của huyện Mường Nhé (Điện Biên) còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế chậm phát triển. Nhằm khắc phục tình trạng này, trong những năm qua, huyện Mường Nhé đã tăng cường, làm tốt công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân yên tâm lao động sản xuất.

Cán bộ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.


Nhờ được đầu tư, hỗ trợ từ nhiều chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, kinh tế xã hội của huyện Mường Nhé đã có những bước phát triển đáng kể, đời sống của nhân dân đã dần được cải thiện và ổn định. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của tỉnh thì huyện Mường Nhé vẫn là huyện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm trên 63%. Nguyên nhân chính là do người dân chưa biết vận dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, kinh tế vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nương rẫy. Bên cạnh đó đội ngũ cán bộ ở một số xã vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.


Trước thực tế đó, Đảng bộ huyện Mường Nhé xác định: Tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, làm nền tảng vững chắc cho việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của huyện. Huyện Mường Nhé đã thường xuyên cử cán bộ có trình độ, năng lực chuyên môn xuống cơ sở để giúp các xã phát triển đảng đối với những quần chúng ưu tú là người dân tộc, phụ nữ, đoàn thanh niên. Bởi đây là lực lượng nòng cốt và kế cận đội ngũ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các xã trong những năm tới.


Ông Trần Trí Toàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Nhé, cho biết: Ban chấp hành Đảng bộ huyện luôn thực hiện tốt công tác giao ban khối xã hàng tháng, hàng quý để nắm tình hình cơ sở. Từ đó thống nhất, đề ra các chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động và tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở. Chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ xã. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã mở 35 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho các đối tượng là cấp ủy viên, đảng viên mới, mở các lớp bồi dưỡng chương trình nhận thức về Đảng cho gần 1.900 quần chúng ưu tú, 3 lớp bồi dưỡng chuyên viên và 7 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị gắn với nhiệm vụ chuyên môn cho gần 600 cán bộ cơ sở. 100% đại biểu HĐND cấp xã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ hàng năm. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ xã, bản cũng thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và các chương trình bồi dưỡng về kiến thức quốc phòng, an ninh.


Thực tế cho thấy, nơi nào có đảng viên, chi bộ đảng hoạt động thì nơi đó đời sống của bà con khá hơn, việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng hiệu quả hơn. Để phát triển đảng viên ở các thôn, bản, hàng năm Đảng bộ huyện đã ra nghị quyết chuyên đề về công tác này. Theo đó, các Đảng ủy xã chuyển đảng viên đương chức về sinh hoạt tại bản, chuyển các giáo viên là đảng viên tại các điểm trường về cơ sở trọng điểm làm nòng cốt phát triển đảng viên, xây dựng chi bộ. Đảng viên tại các bản cũng tích cực phát hiện, tạo nguồn tại bản mình. Việc bồi dưỡng về đảng được tổ chức tại huyện hoặc trung tâm cụm xã, với nội dung ài giảng được biên soạn phù hợp với nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy công tác bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới hàng năm luôn đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện đã đề ra. Riêng 7 tháng đầu năm 2013, Đảng bộ huyện đã kết nạp được 70 đảng viên, thành lập mới 8 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ huyện, nâng cấp 3 chi bộ xã lên thành đảng bộ.


Bài và ảnh: Minh Phúc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN