Là tỉnh có xuất phát điểm về phát triển kinh tế, xã hội thấp nên yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định, để Đắk Lắk thành công trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nguồn nhân lực dồi dào
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, nguồn nhân lực trẻ của tỉnh chiếm tỷ lệ cao với dân số trên 1,8 triệu người, trong đó, nhóm tuổi từ 15 - 30 chiếm 28,9% dân số, nhóm tuổi trung niên từ 30 - 50 chiếm 27,2% dân số. Đây là nguồn lao động đáp ứng tốt cho nhu cầu của các ngành kinh tế, xã hội.
Giờ học Văn của học sinh Trường THPT dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng (Đắk Lắk). Thanh Hà - TTXVN |
Toàn tỉnh hiện nay có 971 trường học, chất lượng giáo dục phổ thông từng bước được nâng lên. Đội ngũ giáo viên các bậc học phổ thông thường xuyên được tăng cường, đào tạo cơ bản đã đạt trình độ đạt chuẩn, trên chuẩn. Mạng lưới cơ sở dạy nghề trên địa bàn trong những năm gần đây phát triển nhanh, xã hội hóa dạy nghề bước đầu có kết quả. Toàn tỉnh hiện nay có 44 cơ sở dạy nghề, gồm các trường cao đẳng, trung cấp nghề với năng lực đào tạo hàng năm trên 30.000 lao động thuộc các ngành: Chế biến nông sản, thiết kế, gia công sản phẩm mộc, cơ điện nông thôn, điêu khắc gỗ, dệt thổ cẩm…
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, tỷ lệ học sinh đã tốt nghiệp các cấp học phổ thông còn thấp so với tổng số dân đã làm ảnh hưởng đến chất lượng nhân lực. Lao động chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ cao, lao động có trình độ cao còn rất hạn chế. Cơ cấu trình độ nguồn nhân lực còn bất cập, lao động qua đào tạo chưa phù hợp. Lao động thuộc lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ chủ yếu chuyển từ nông nghiệp sang, chưa được đào tạo, bồi dưỡng nên kỹ năng, kỹ thuật lao động còn hạn chế. Lao động vùng dân tộc thiểu số vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi phong tục tập quán nên việc hình thành tác phong công nghiệp còn rất nhiều khó khăn, tính hội nhập kém… |
Cũng theo UBND tỉnh Đắk Lắk, chất lượng và số lượng lao động qua đào tạo có trình độ cao ở các ngành quan trọng được nâng lên đáng kể, nhất là các ngành công nghiệp, dịch vụ, y tế, giáo dục, quản lý nhà nước… Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 20,5% năm 2000 lên 43% năm 2013. Cơ cấu lao động nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm dần, tăng lao động vào các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, giáo dục đào tạo và các ngành nghề khác. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị và thiếu việc làm ở khu vực nông thôn được khắc phục…
Mục tiêu lâu dài
Về lâu dài, Đắk Lắk đề ra kế hoạch gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển giáo dục - đào tạo và dạy nghề với việc đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trên các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, công tác quản lý nhà nước của tỉnh và cho cả khu vực Tây Nguyên… Mục tiêu phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 của tỉnh Đắk Lắk là giải quyết việc làm mới cho 265.000 lao động, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động đến năm 2020 theo hướng: Lao động ngành nông, lâm nghiệp là 55%, công nghiệp, xây dựng là 19%, dịch vụ là 26%.
Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường, các trung tâm giáo dục thường xuyên, chú trọng giáo dục trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa coi trọng cả ba mặt dạy làm người, dạy chữ, dạy nghề, nhất là giáo dục lý tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc. Xây dựng chiến lược về phát triển giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao dân trí, tạo ra đội ngũ lao động nắm bắt được khoa học kỹ thuật và quản lý ở địa bàn cơ sở, đặc biệt là chú trọng đến lực lượng lao động trẻ người dân tộc thiểu số làm đầu tàu đi đầu trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật làm kinh tế, phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu…
Mục tiêu phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 của tỉnh Đắk Lắk là giải quyết việc làm mới cho 265.000 lao động, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động đến năm 2020 theo hướng: Lao động ngành nông, lâm nghiệp là 55%, công nghiệp, xây dựng là 19%, dịch vụ là 26%. |
Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phát triển nhân lực từ nay đến năm 2020, Đắk Lắk đã kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chiến lược mục tiêu quốc gia với các nội dung như nghiên cứu xây dựng và đầu tư cho các trường, cơ sở dạy nghề theo hướng hiện đại hóa, hội nhập và chuẩn hóa trình độ đào tạo theo các vùng kinh tế, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào các lĩnh vực dạy nghề. Ban hành cơ chế quan hệ giữa doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị sử dụng lao động với cơ sở đào tạo nghề một cách chặt chẽ nhằm đảm bảo tính cung, cầu trong hoạt động phát triển nguồn nhân lực.
Đắk Lắk cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về công tác quản lý đào tạo theo chuyên ngành, giao các trường dạy nghề cho các cơ quan quản lý chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi cho các trường đào tạo theo mục tiêu, gắn kết đào tạo với yêu cầu của doanh nghiệp về số lượng, ngành nghề, chất lượng nhân lực… để tạo việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp.
Có cơ chế, chính sách thực hiện xã hội hóa mạnh mẽ công tác phát triển nhân lực, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhân lực, thông qua thực hiện các chính sách tài chính, thuế hợp lý đối với các cơ sở đào tạo nghề ngoài quốc doanh. Đồng thời có chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp… Tỉnh cũng đề xuất Trung ương nghiên cứu, bổ sung một số chính sách như tăng số lượng cử tuyển học sinh người dân tộc thiểu số tốt nghiệp trung học phổ thông vào học các trường sư phạm kỹ thuật để đào tạo thành giáo viên dạy nghề, tăng số lượng chỉ tiêu bác sĩ, dược sĩ đào tạo cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ. Không thu học phí đối với sinh viên theo học các nghề sư phạm kỹ thuật để thu hút sinh viên theo học nhằm tạo nguồn giáo viên dạy nghề. Có chính sách thu hút ưu đãi riêng đối với cán bộ ngành y tế công tác tại các tỉnh miền núi, vùng khó khăn, Tây Nguyên…
Quang Huy
Cần có chính sách đặc thù Cần có chính sách đặc thù để đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số. Hiện nay sự phát triển ồ ạt và cạnh tranh không lành mạnh của các trường đại học cũng là một lực cản cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, nguồn tài chính đầu tư cho các truờng đại học còn eo hẹp. ĐH Tây Nguyên là trường miền núi, sinh viên, học sinh chủ yếu là các đối tượng chính sách, định mức thu lại rất thấp. Do đó nguồn thu của truờng hết sức hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước, rất khó để đầu tư phát triển đi lên vững chắc. Đề nghị các cơ quan chức năng, hằng năm phải triển khai sớm kế hoạch đào tạo phân bổ chỉ tiêu hệ cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ để các trường chủ động lên chương trình đào tạo cho phù hợp… PGS.TS Nguyễn Tấn Vui - Hiệu trưởng trường ĐH Tây Nguyên Chú trọng nghiên cứu khoa học Giải pháp không kém phần quan trọng là các trường chuyên nghiệp phải hết sức chú trọng công tác nghiên cứu khoa học. Cũng nhờ hoạt động nghiên cứu khoa học của ĐH Đà Lạt được đẩy mạnh từ nhiều năm qua, nên hằng năm nhà trường đạt trên 55.000 giờ nghiên cứu khoa học, mỗi năm tăng trên 2.000 giờ. Nhà trường đã cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh Tây Nguyên bình quân mỗi năm trên 90 thạc sĩ, góp phần giải quyết được nhiều vấn đề khoa học gắn chặt giữa lí luận và thực tiễn, có tính ứng dụng cao, được nhiều nhà tuyển dụng đánh giá tốt. TS Mai Xuân Trung - Phó Hiệu trưởng truờng ĐH Đà Lạt Chạy theo chương trình rất vất vả Cái khó để các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề thu hút được sinh viên, học sinh là nội dung chương trình đào tạo khá nặng nề về mặt lý thuyết. Bình quân số giờ thực học ở trường cao đẳng nghề là mỗi năm 3.750 tiết, trường trung cấp nghề là 2.550 tiết, thời gian thực học mỗi tuần là 30 tiết bắt buộc, người dạy cũng như người học chạy theo chương trình hết sức vất vả. Ông Trần Văn Kiệm, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Gia Lai |