Ổ dịch cúm gia cầm AH5N6 vừa được phát hiện và xử lý tại Thanh Hóa. Theo Cục Thú y, vi rút cúm AH5N6 là chủng độc lực cao, có nguy cơ lây sang người, do vậy các địa phương cần tăng cường giám sát, chủ động tiêm phòng vắc xin, ngăn chặn việc vận chuyển lậu gia cầm… không để dịch cúm lây lan.Xử lý kịp thờiTiêu hủy đàn gia cầm nhiễm vi rút cúm. Ảnh: Lê Hải - TTXVN phát |
Ngày 19/3, Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa đã tiêu hủy hơn 1.000 con gia cầm của 15 hộ xung quanh nơi phát hiện ổ dịch tại xã Hải Lĩnh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa).
Theo của Cục Thú y, đây là ổ dịch cúm AH5N6 đầu tiên phát sinh được phát hiện trong năm 2015. Đây là ổ dịch nhỏ, xảy ra tại 2 hộ gia đình, với đàn gia cầm gồm 250 con vịt, 103 con gà, nhưng đây cũng là cảnh báo nguy cơ vi rút đang âm thầm phát tán, gây bệnh. Đồng nghĩa với việc ổ dịch cúm AH5N6 có thể phát sinh tại bất cứ địa phương nào, đặc biệt khu vực có ổ dịch cũ và khu vực lân cận.
Theo ông Lê Văn Luận, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa, đầu tháng 3, phát hiện gia cầm tại xã Hải Lĩnh, huyện Tĩnh Gia có dấu hiệu chết hàng loạt, Chi cục đã lấy mẫu xét nghiệm và kết quả cho thấy dương tính với vi rút cúm AH5N6. Các biện pháp khoanh vùng, dập dịch đang được ngành thú y địa phương triển khai như: tiêm vắc xin cho hơn 23.000 con gia cầm tại địa phương, đồng thời cử cán bộ xuống địa bàn túc trực để xử lý, ngăn chặn dịch lây lan.
Đến nay, ổ dịch cúm AH5N6 phát hiện trên đàn gia cầm tại xã Hải Lĩnh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa đã cơ bản được khống chế, các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan đã và đang được địa phương triển khai.
Theo ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cúm AH5N6 là chủng vi rút độc lực cao có thể lây sang người, với tỷ lệ tử vong cao. Đây là ổ dịch đầu tiên của chủng vi rút này được phát hiện trong năm nay.
Ổ dịch cúm AH5N6 được phát hiện lần đầu tiên tại tỉnh Lạng Sơn (tháng 4/2014), sau đó xuất hiện tại các tỉnh Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Quảng Ngãi làm hơn 5.100 gia cầm, 12 nghìn chim cút bị mắc bệnh. Ngoài các ổ dịch nêu trên, vi rút cúm H5N6 cũng được phát hiện tại tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam.
Chủ động phòng cúm gia cầm Cục Thú y vừa đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị Chính phủ xuất 11 triệu liều vắc xin cúm gia cầm cho 11 tỉnh có nguy cơ cao, có mức độ lưu hành vi rút cúm để tiêm phòng dịch. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát chủ động, tổ chức tiêm phòng vắc xin, ban hành văn bản hướng dẫn lưu hành vi rút cúm và các loại vắc xin có hiệu lực cao; phối hợp cùng các ban, ngành và chính quyền cơ sở đấu tranh, ngăn chặn việc vận chuyển lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới,.
Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, Cục đang tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế để triển khai các chương trình giám sát, chủ động lưu hành của vi rút cúm gia cầm nói chung như: H5N1, H5N6, H7N9..., thực hiện nghiêm Thông tư liên tịch số 16 ngày 27/5/2013 của 2 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế.
Đồng thời, “Duy trì họp giao ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống cúm gia cầm để chia sẻ thông tin và chỉ đạo điều hành chung. Việc phối hợp giữa ngành thú y và ngành y tế là hết sức quan trọng, khi những ổ dịch cúm AH5N6 cũng như cúm AH5N1 xảy ra trên gia cầm thì giữa ngành y tế và ngành thú y đều có sự phối hợp chặt chẽ với nhau”, ông Thành cho biết thêm.
Đến nay, chưa phát hiện trường hợp người mắc cúm AH5N6 ở phía Nam nhưng theo ông Thành, thời gian qua, ngành y tế chủ động có văn bản chỉ đạo các địa phương phát hiện các ổ dịch, tăng cường giám sát dịch trên người. Những người có triệu chứng mắc cúm đều phải kiểm tra xét nghiệm, nếu có bất cứ triệu chứng nào cũng phải cần sự giám sát của ngành y tế, cụ thể là lấy mẫu để xét nghiệm.
H.V