Chọn đại sứ du lịch Việt Nam

Ngày 31/10 là thời hạn cuối nhận hồ sơ ứng cử viên đại sứ du lịch, đã có 5 ứng cử viên lọt vào danh sách tuyển chọn. Đó là Hoa hậu Đông Nam Á Lê Thị Diệu Hân, Á hậu châu Á tại Mỹ Châu Mộng Như, diễn viên Lan Phương, người đẹp Huỳnh Thị Ngọc Hân và cô giáo Đỗ Thị Hồng Thuận. Bất cập trong quy chế tuyển chọn cùng những sự cố về nhân sự, khiến cuộc tuyển chọn đại sứ du lịch Việt Nam kéo dài hơn so với dự kiến.


Còn nhớ, tháng 9/2011, Bộ VHTTDL đã quyết định bổ nhiệm người đẹp Lý Nhã Kỳ làm đại sứ du lịch đầu tiên của Việt Nam (với nhiệm kỳ một năm) trong bối cảnh rất nhiều ý kiến phản đối. Vào thời điểm đó, báo giới và dư luận cho rằng, đây là quyết định vội vàng bởi quy chế chính thức cho việc tuyển chọn chưa được bộ chủ quản xây dựng.

Việc tuyển chọn chỉ dựa trên một số tiêu chuẩn như: Lý lịch nhân thân tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng; có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, trung thực, gương mẫu, trách nhiệm; có uy tín và có ảnh hưởng tích cực đối với xã hội... Thế nên đã có luồng ý kiến gay gắt với quyết định bổ nhiệm của Bộ VHTTDL, bởi vào thời điểm đó, Lý Nhã Kỳ vướng vào nhiều vụ tai tiếng bị dư luận chỉ trích, hơn nữa những hoạt động nghệ thuật của cô chưa có dấu ấn gì nổi bật. Rồi trong suốt nhiệm kỳ đảm nhiệm vai trò đại sứ du lịch, người đẹp này tiếp tục gây dư luận xấu khi thường xuyên xuất hiện trước công chúng với những bộ trang phục, đồ trang sức bị đánh giá là phản cảm, ít nhiều làm ảnh hưởng đến hình ảnh đại sứ du lịch của đất nước.


Nhưng điều dư luận quan tâm hơn cả là chức danh đại diện cho ngành du lịch của đất nước lại được ra đời một cách vội vã, chỉ để phục vụ một sự việc mang tính thời vụ (vận động cho cuộc bình chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan mới của thế giới). Vì thế, mới có chuyện chức danh có trước, quy chế có sau chẳng khác “sắm thừng” rồi mới “tậu trâu”. Phải đến khi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên, Bộ VHTTDL mới ban hành quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đại sứ du lịch Việt Nam... Thế nhưng, quy chế vừa được ban hành đã không nhận được sự đồng tình của dư luận, nhất là quy định ứng cử viên “phải có khả năng vận động tài chính từ những nguồn lực xã hội phục vụ cho công tác xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam”.


Có lẽ xuất phát từ quy định trên mà cuộc tuyển chọn tiếp tục gặp trắc trở. Đã có một số ứng cử rút lui vào phút chót, một phần do không đáp ứng được tiêu chí nêu trên; mặt khác do không chịu nổi sức ép của dư luận. Ai cũng ngầm hiểu, đối tượng ứng cử vào chức danh này phải là người của công chúng, có hình ảnh đẹp trong các hoạt động xã hội. Nhưng khi yêu cầu “khả năng vận động tài chính” được lấy làm trọng, khiến nhiều người đẹp lặng lẽ tìm cách tháo lui. Có lẽ nhận biết được điều này, mà bộ chủ quản đã phải chỉnh sửa một số nội dung của quy chế và quyết định lùi thời hạn nhận hồ sơ tới 31/10, thay cho thời hạn tháng 4/2013 như quy định cũ.


Đoạn kết của việc tuyển chọn đại sứ du lịch Việt Nam xem ra vẫn chưa thể ấn định. Trong bối cảnh mở cửa, hội nhập quốc tế hiện nay, việc phát triển du lịch hy vọng sẽ đóng góp lớn cho kinh tế đất nước. Tuy nhiên, nhìn vào danh sách các ứng cử viên đại sứ du lịch được lựa chọn, khó có thể hy vọng ngành du lịch Việt Nam sẽ cất cánh trong khi tiềm năng du lịch nước nhà là rất lớn.

Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN