Những chòi trữ thóc nằm cách nhau vài sải chân, nối dài thành một đường thẳng từ vườn rừng nhà này sang nhà khác, kiến trúc y hệt lối xây dựng chùa một cột. Chòi được dựng bằng nứa lồ ô và gỗ rừng, mái lợp bằng lá hoặc tôn. Nơi trữ thóc nằm trên cao cách mặt đất chừng 1,5 m, hình chữ nhật với một cửa duy nhất để mở. Nó được cố định bằng cọc gỗ vững chắc nằm ở vị trí tâm điểm của chòi, cắm sâu xuống đất để giữ cố định.
Ông Hồ Văn Thuấn, người dân sống tại khu vực này cho biết: Tùy theo từng nhà mà chọn vật liệu lợp cho mái. Nhà khá giả thì chọn tôn, thiếu điều kiện thì vào núi tìm lá. Mỗi chòi có thể trữ hơn chục bao lúa rẫy. Đặc biệt nhất là chỉ có chủ nhân mới được mở cửa lấy thóc vào những dịp cần. Đồng bào Kor không đặt chòi trữ thóc trong nhà mà đặt xa ngoài rẫy cách chừng 2-3 cây số. Đó là vì tâm niệm thóc lúa là “hạt ngọc” của trời ban, của Giàng giữ. Mỗi gia đình chỉ được dựng một chòi. Lúa thu hoạch nhiều thì cũng chỉ một chòi, khác nhau là ở chỗ chòi to hay nhỏ. Cái hay và độc là dù có để thóc ngoài tầm kiểm soát nhưng không nhà nào mất dù chỉ số lượng nhỏ. Cao niên trong thôn cho hay, nếu ai mạo phạm nổi lòng tham lấy trộm thóc của nhà khác sẽ bị Giàng trách phạt ngay.
Thóc trữ còn có tác dụng phòng khi mùa mưa bão tới, nhà nào dư giả sẽ mở kho san sẻ cho những người mất mùa, đói kém. Trước khi xuất thóc, chủ nhà phải làm lễ cúng thần linh bằng gà trống, lá trong rẫy của gia đình. Nên chòi trữ thóc còn như “bảo vật” của đồng bào, góp phần gắn kết cộng đồng. Ông Nguyễn Hồng Trà, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Hiệp nhấn mạnh: Trong cái khắc nghiệt của núi rừng, của địa hình, đồng bào đã tự tìm cách để thích nghi tốt nhất. Chòi trữ thóc thể hiện ý thức cao của bà con trong việc bảo vệ của cải, đặc biệt là lúa rẫy, tránh sự phá hoại của thú rừng.