Chợ ngựa rẻo cao

4 giờ sáng, Hoàng Văn Ngải lôi tôi dậy để xuống chợ ngựa cho kịp. Trời tối đen, mù mù đầy sương. Sương từ hốc núi đùn lên, quấn chặt lấy nhà, lấy người, lạnh buốt. Năm nay lập xuân trước Tết mà thời tiết vẫn còn rét lắm. "Từ đây xuống chợ phải mất năm, sáu cây số nữa, đi nhanh mới kịp". Ngải bảo tôi vậy.

 

Với người vùng cao, con ngựa là một tài sản giá trị.


Ngải là người dân tộc Mông, cao lớn, nước da đen cháy, mắt sáng, giọng nói ồ ề như người già, dù năm nay anh chưa đến 40 tuổi. Ngải quen thuộc đường ngang ngõ tắt trong rừng từ tấm bé, lớn lên làm nghề buôn gia súc như trâu bò ngựa. Anh rất say mê với những chú ngựa đất Hà Giang. Cho đến bây giờ Ngải không thể nhớ nổi mình vào nghề buôn bán ngựa từ lúc nào và đã có bao nhiêu con ngựa đã qua tay anh. Phiên chợ nào cũng vậy, lúc ít thì một hai con, khi nhiều lên đến cả chục.


Chợ ở đây mỗi tuần mở một phiên vào ngày chủ nhật, nhất là vào đầu xuân thì chợ đông bạt ngàn. Những ngày ấy Ngải phải dậy thật sớm, dắt tiền vào thắt lưng, xuống chợ. Đi từ lúc còn tối tăm trời đất, khi về ánh nắng đã hạ xuống dưới đỉnh đèo Mã Pi Lèng.


Đến nơi, chợ vẫn vắng hoe. Trời tối mù mù. Chỉ có ánh lửa bập bùng của mấy quán hàng bán thắng cố lập lòe trước gió. Ngải kéo tôi vào một hàng thắng cố đầu chợ, ấn ngồi xuống cái ghế băng tin hin, cạnh chiếc bàn cáu bẩn bóng nhoáng vì mỡ động vật. Như người khách quen biết từ lâu, Ngải cầm chiếc muôi gỗ múc ra hai bát thắng cố nóng hổi. Hai chúng tôi cúi đầu húp sì sụp ngon lành. Nâng bát rượu lên miệng, Ngải ngửa cổ uống ừng ực.


Ở giữa núi cao và sương mù, Sơn Vĩ được ví như thiên đường của cao nguyên đá, quanh năm mây phủ và hanh hao gió lạnh. Từ cái thủa hồng hoang, người Mông, người Dao... đã đến đây, ngựa là phương tiện giao thông thuận lợi nhất trên vùng đất mà đường đi chỉ to bằng sợi dây rừng. Chợ ngựa được họp trên một khu đất rộng, sát chân núi, gần dòng sông Nho Quế chảy êm đềm uốn lượn.


Một ông già người Cao Lan, miệng bỏm bẻm nhai lá thuốc trước cửa quán nói với tôi: "Trước đây thanh niên đi mua ngựa, kén chọn kỹ như chọn vợ. Bởi ngựa không chỉ là vật để cưỡi, để thồ hàng nặng, mà còn để đua mỗi bận mùa xuân đến". Ngựa cũng là thể hiện cái tráng khí của chủ nó nữa. Chuyện ngày xưa là thế. Chuyện ngày nay có cái xe máy chạy bằng xăng, thanh niên trai tráng, phụ nữ, ông già thích hơn con ngựa. Ngựa không còn là phương tiện duy nhất. Người dân đi chợ ngựa như một nhu cầu, như một nét văn hoá. Đi để giao lưu gặp gỡ bạn bè. Đi để uống rượu, ăn thắng cố. Và đi cũng chỉ để được đi. Thế thôi.


Ngựa ở đây được bày bán nhiều vô kể, nhiều như chợ rau vùng xuôi. Ngựa là hàng hóa độc nhất. Để đến được đúng phiên chợ, nhiều người ở xa đã phải có mặt từ chiều hôm trước. Trời mới vừa nhìn rõ mọi vật, những bộ trang phục đủ mầu sắc rực rỡ, rộn ràng theo nhịp chân bước, hòa theo tiếng nhạc treo trên cổ ngựa.

Chỉ trong chớp mắt, chợ đã kín đặc toàn người với ngựa. Ngựa là con vật được người dân Hà Giang nuôi nhiều nhất. Có thể vì nó chịu được cái nắng cháy da cháy thịt, cái gió gầm gào, cái rét cắt ruột cắt gan của vùng cực Bắc đầy khắc nghiệt này. Nó cũng là con vật có giá trị nhất trong số tài sản của đồng bào dân tộc. Phiên chợ nào cũng có cả ngàn con ngựa mua bán trao đổi.


Cái cách mua bán ngựa ở đây cũng rất độc đáo. Không chào mời, không chèo kéo. Ai muốn mua thì tự nhiên đến hỏi. Người bán nói giá, sau đó thống nhất, người mua trả tiền, người bán bắt tay. Còn nếu không ai hỏi mua, người bán cứ thế cầm cương ngựa đến khi tan chợ. Thậm chí, nếu không bán được lại cưỡi ngựa về, phiên sau lại xuống tiếp. Dáng ngựa đất Hà Giang thật tuyệt. Đa phần là cao, bụng thon, chân to, chạy đường núi như sơn dương, có một sức mạnh lạ kì để cõng hàng, để thồ chủ lên những đỉnh núi cao nhất. Ngựa mang xuống chợ chủ yếu để bán. Phần nữa cũng là mượn cớ để anh em quen, lạ gặp nhau, uống chén rượu nên tình bè bạn.


Vì thế mà chuyện mua bán không còn là mục đích chính nữa. Vui mắt hơn là chủ ngựa viết lên lưng ngựa tên mình bằng vôi trắng rồi bỏ ngựa đứng gõ móng giữa chợ. Chủ thì điềm nhiên, ngất ngưởng bước vào quán rượu. Ai muốn mua thì cứ việc nhìn tên chủ ngựa viết trên mông ngựa mà réo gọi. Chỉ chút sau sẽ có một anh chàng nào đó, tay cầm bát rượu lớn từ trong quán bước ra mời. Hai người uống chung bát rượu rồi mới bàn đến chuyện bán mua. Ngải nhìn thấy mấy con ngựa khá đẹp viết tên chủ "Lý Chín Chúng" bèn nắm lấy dây cương mà réo gọi lạc cả giọng. Ngải đâu ngờ ông chủ của mấy con ngựa kia đang nằm trơ khấc, còng queo trong đám cỏ khô, sau khi ăn xong khúc chân giò lợn thui rơm, uống dăm bát rượu ngô hạ thổ.


Trước đây, khi những con đường đi đến các bản, những cung đường tuần tra biên giới không thể đi bằng phương tiện nào khác ngoài ngựa, thì đồn biên phòng Lũng Cú vẫn phải ra chợ này tìm mua những con ngựa leo núi giỏi nhất, dai sức nhất. Các chú ngựa này sẽ được huấn luyện để có thể đưa các anh đi thật nhanh trong những chuyến cắt rừng truy lùng tội phạm. Hình ảnh người chiến sĩ mang quân hàm xanh, đội mũ mềm, kiêu hãnh trên lưng ngựa, ngựa tung vó phi nước đại trong mây trắng bồng bềnh, đẹp như một bài thơ.


"Bữa nay có anh đi cùng, em gặp may, mua được chục con ngựa tốt- Ngải cười, nói với tôi - Anh ở lại thêm phiên chợ nữa nhé!". Tôi lắc đầu: "Mình phải về xuôi thôi, nhớ nhà lắm". Ngải lại bảo: "Chủ nhật nào không xuống chợ ngựa thấy trong người bứt rứt lắm. Đi quen cái chân rồi. Phần nhớ cái không khí ở chợ, nhớ chảo thắng cố đang sôi ùng ục. Và nhất là cái túi đựng tiền chẳng đầy thêm. Người lúc ấy chán lắm". Từ ngày Ngải đi buôn ngựa cũng đủ nuôi vợ và ba con đủ ăn. Cả nhà không còn phải ăn mèn mén thay cơm. Từ ngày xuất hiện thêm các tay buôn từ miền xuôi lên, ô tô kìn kìn ngược dốc Mã Pi Lèng vào chợ chở gia súc về, Ngải phải đi chợ sớm hơn.


Cuộc chiến thương trường cũng quyết liệt hơn. Vào đến chợ, đôi mắt Ngải phải đảo thật nhanh, chân bước rảo, tay chém gió, miệng nói nhiều, thấy con ngựa nào ưng cái bụng phải mua ngay. Cũng may Ngải là người Mông, cùng dân tộc, nên việc mua bán diễn ra tương đối thuận lợi. Ngải quả là tay sành ngựa. Chỉ cần nhìn lướt, Ngải có thể đánh giá con ngựa này bao nhiêu tuổi, nặng bao nhiêu cân mà chẳng cần xem răng xem lợi. Tôi hỏi. Ngải bảo: "Đó là kinh nghiệm trời cho. Em có dạy, anh cũng không thể nào phân biệt được. Có thế cả nhà em mới không đứt bữa". Phiên chợ nào cũng vậy, con ngựa nào to nhất, đẹp nhất cũng nằm trong tay Ngải. Phần vì khách quen, phần vì bên kia biên giới họ cũng thích những con ngựa lực lưỡng, to khỏe, cho dù có đắt thêm chút đỉnh. Cánh dưới xuôi cũng biết ý ra phết. Con ngựa nào Ngải đã trả giá thì không ai hỏi nữa.


Không gian ở đây còn đẫm vị nguyên sơ của núi rừng Tây Bắc. Chợ ngựa có ý nghĩa rất lớn với đồng bào các dân tộc huyện Mèo Vạc. Nơi đây nét văn hoá còn thô nháp nhưng cũng hết sức đáng yêu. Sự khoáng đạt dậy lên từ nồi men rượu ngô mới cất hồi đêm, từ cái mũ nồi đen đội lệch, từ con dao quắm sắc lẹm dắt ngang lưng của mấy anh chàng người Mông. Trên bãi đất trống, người và ngựa chen nhau. Chợ đông mà không ồn ào. Nhộn nhịp nhất, ầm ĩ nhất, lắm mồm nhất vẫn là những quán bán rượu, bán thắng cố. Đó là nơi mọi người tìm đến để tự thưởng cho mình món đặc sản truyền thống trong ngày xuống chơi chợ.


Phụ nữ cũng như đàn ông, hễ thích là sà ngay vào làm một bát. Rượu uống đến khi say, đến khi gục xuống. Người vợ đứng cạnh xòe ô che nắng. Tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của tác giả Nguyễn Phú Ninh: "Cái say ôm đá ngủ. Cái tỉnh xòe ô che". Tôi cũng chen vai, thích cánh đi trong cái nồng nả hăng hắc của mùi cỏ mùi cây, cái hoi hoi của mùi người mùi ngựa. Tôi giúp Ngải tháo yên cương trả chủ cũ. Ngải lấy thừng buộc ngựa mới mua lại với nhau. Cách buộc ngựa của Ngải cũng lạ lắm, đơn giản, nhanh nhẹn. Tưởng lỏng lẻo đấy mà hoá ra rất chặt, chả con ngựa nào thoát nổi. Ngải nói: "Anh không ở được thì ta chia tay tại đây. Em còn phải dẫn lũ ngựa này đi đường mòn". Tôi bảo: "Như thế là trái với quy định đấy". Ngải cười hì hì: "Lần sau có lên anh phải ở lâu lâu một chút nhé. Anh em ta sẽ làm một chuyến "xuyên quốc gia". Người Mông đã hứa thì không bao giờ sai hẹn đâu".


Chợ tàn, người thưa thớt. Những con ngựa không có người mua lại được chủ nó đóng yên, thắng cương chuẩn bị dẫn về. Vậy mà ai cũng vui vẻ. Họ nhìn nhau cười hể hả. Mùi rượu ngô, mùi thắng cố còn nồng nàn trong hơi thở. Rồi thì lần lượt từng tốp ra roi, giục ngựa tỏa đi nhiều hướng. Họ hẹn gặp nhau ở phiên chợ tới. Những cái bóng nhấp nhô trên lưng ngựa trong buổi chiều hoàng hôn, nơi cao nguyên toàn đá với đá, cứ nhỏ dần, nhỏ dần.


Nguyễn Sỹ Đoàn

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN