Ngày 29/2, Chính phủ Mỹ thông báo rằng CHDCND Triều Tiên đã nhất trí ngừng chương trình hạt nhân của nước này và cho phép các thanh sát viên Liên hợp quốc (LHQ) quay trở lại. Đây có thể được coi là bước đột phá đầy bất ngờ trong cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên ngay sau thời điểm nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-Il qua đời.
Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-Un trong chuyến đi thị sát một đơn vị quân đội.Ảnh: AFP/ TTXVN |
Cùng thời điểm này, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cũng ra thông báo nước này đã đồng ý ngừng thử hạt nhân, bắn thử tên lửa tầm xa và làm giàu urani tại cơ sở hạt nhân Yongbyon. Thông báo của KCNA còn khẳng định, CHDCND Triều Tiên có quyết định như trên là để đáp lại các đề nghị của phía Mỹ, “với quan điểm duy trì bầu không khí tích cực” cho cuộc hội đàm cấp cao CHDCND Triều Tiên – Mỹ, bắt đầu từ tuần trước tại Bắc Kinh.
Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã hoan nghênh tiến bộ này, và cho rằng động thái nói trên sẽ thúc đẩy kế hoạch bị trì hoãn lâu nay về việc chuyển giao 240.000 tấn hàng lương thực cứu trợ cho CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia về các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, thỏa thuận nói trên vẫn còn bị nhiều phía nhìn nhận với ánh mắt hoài nghi, bởi CHDCND Triều Tiên từng nhiều lần đồng ý ngừng chương trình hạt nhân cốt chỉ để từ chối các thỏa thuận trước đó, một khi căng thẳng gia tăng.
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Victoria Nuland nhấn mạnh trong một tuyên bố: “Mỹ vẫn còn những mối quan ngại sâu sắc liên quan đến cách hành xử của CHDCND Triều Tiên qua một loạt nhiều vấn đề, nhưng tuyên bố ngày hôm nay vẫn phản ánh một tiến bộ, dù còn hạn chế, trong việc giải quyết một số những vấn đề này”. Bà Nuland nói Mỹ “tái khẳng định rằng nước này không hề có ý định thù địch nào đối với CHDCND Triều Tiên, và đang chuẩn bị thực hiện các bước đi nhằm cải thiện quan hệ song phương với tinh thần tôn trọng chủ quyền và sự bình đẳng lẫn nhau”.
Trong những phản ứng mới nhất, Nhật Bản khẳng định nước này sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Hàn Quốc và các nước khác trong việc nối lại vòng đàm phán sáu bên trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Hàn Quốc cũng tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận của CHDCND Triều Tiên về hạt nhân và tên lửa, đồng thời nhấn mạnh đây là tiền đề căn bản cho việc thúc đẩy một giải pháp toàn diện cho vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Nước này cũng khẳng định muốn thấy CHDCND Triều Tiên thực hiện các bước đi cần thiết để tái khởi động cuộc đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân.
Trần Long