Chập chững xây dựng Thương hiệu Quốc gia

Nói đến Hàn Quốc, người ta có thể dễ dàng kể hàng loạt thương hiệu như Daewoo, Samsung, Hyundai... Hay nhắc đến Nhật Bản, lập tức các từ Sony, Toyota, Hitachi... bật ra. Rất nhiều nước đã có hàng loạt thương hiệu gắn với danh từ chỉ tên đất nước họ. Nhưng nhắc tới Việt Nam, việc chỉ ra một thương hiệu đặc trưng được gắn với tên nước vẫn còn rất khó khăn. Chính bởi vậy, chương trình Thương hiệu Quốc gia (THQG) ra đời, nhắm đến mục tiêu xây dựng những thương hiệu đặc trưng, đại diện cho quốc gia mình...

Một chương trình - nhiều kỳ vọng

Theo ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thương hiệu hàng hóa Việt Nam càng bộc lộ những bất cập lớn như: Bị lép vế trước các thương hiệu nước ngoài trên chính thị trường nội địa và vẫn tiếp tục phải vào thị trường thế giới thông qua trung gian hoặc dưới dạng gia công cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài; bị đối thủ cạnh tranh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, khai thác một cách bất lợi trên thị trường thế giới...

Đại diện Công ty Tân Hiệp Phát (trái) nhận biểu trưng THQG.


Vì vậy, việc xây dựng được một Chương trình Quốc gia nhằm tăng cường nhận thức và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, bảo vệ, quảng bá và phát triển thương hiệu, vừa là cấp bách vừa là chiến lược. Mặt khác, trong bối cảnh thương hiệu hàng hóa Việt Nam chưa có chỗ đứng trên thị trường thế giới thì việc hợp tác giữa Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nhằm xây dựng một hình ảnh chung cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam và quảng bá hình ảnh chung đó một cách mạnh mẽ trên thị trường quốc tế là một cách xây dựng chỗ đứng trên thị trường cho từng thương hiệu nhỏ lẻ.

Nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết đó, ngày 25/11/2003, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Thương hiệu Quốc gia tại Quyết định số 253/2003/QĐ - TTg, giao cho Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) là cơ quan thường trực, phối hợp với các bộ/ngành triển khai. Việc xây dựng THQG và tư vấn cho Chính phủ về vấn đề này được giao cho Hội đồng Thương hiệu Quốc gia cùng với các bộ phận hợp tác gồm: Cục Xúc tiến Thương mại - Ban Thư ký thường trực và Hội đồng các Ban chuyên gia.

Ông Hải cho biết, đây là chương trình duy nhất do Chính phủ Việt Nam tiến hành, với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia, thông qua thương hiệu sản phẩm. Các thương hiệu trên phải cùng chia sẻ và theo đuổi những giá trị mà quốc gia hướng tới trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Chương trình không phải là một giải thưởng thương hiệu. Việc lựa chọn các thương hiệu sản phẩm đủ tiêu chuẩn gắn biểu trưng ''Thương hiệu Quốc gia'' chỉ là sự khởi đầu để Nhà nước đứng ra bảo trợ cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng và uy tín kinh doanh, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam tạo chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong nước và có điều kiện phát triển thương hiệu của mình ra thế giới.

Đây là chương trình được đặt nhiều kỳ vọng, với mục đích xây dựng hình ảnh về Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ, đa dạng, phong phú, chất lượng cao. Nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập. Nâng cao sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Xây dựng hình ảnh Việt Nam gắn với các giá trị "Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực lãnh đạo".

Củng cố vị thế, định vị tương lai

Nhờ những nỗ lực không ngừng của Chương trình THQG trong thời gian qua, sự đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm dịch vụ Việt Nam đã dần tạo được chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước và tự tin vươn ra thế giới.

Sau hai lần xét các tiêu chí để công nhận các thương hiệu, các doanh nghiệp đạt THQG, lần đầu tiên có 30 thương hiệu và lần thứ hai có 43 thương hiệu được tham gia chương trình. Theo Ban Thư ký Chương trình THQG, cho đến nay, các doanh nghiệp, thương hiệu đã được vinh danh THQG đều có bước phát triển tốt, giữ vững hình ảnh, chất lượng, uy tín.

Trong giai đoạn 2008 - 2010, tuy chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm và dịch vụ tham gia Chương trình THQG vẫn đạt mức tăng trưởng từ 15% trở lên, đặc biệt có doanh nghiệp tăng trưởng 121% trong thời kỳ này, đạt tổng doanh thu thị trường của cả 30 doanh nghiệp năm 2008 là 155.277 tỷ đồng.

Năm 2010, 43 doanh nghiệp có thương hiệu, sản phẩm đáp ứng đủ điều kiện đã được lựa chọn tham gia chương trình. Trong đó, có 16 doanh nghiệp mới và 27/30 doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện tham gia, còn lại 3/30 doanh nghiệp không đủ điều kiện tham gia. Nhiều thương hiệu đã được công nhận THQG các năm qua như: Việt Tiến, Kinh Đô, Trà xanh Không độ, Trà thảo mộc Dr Thanh, nước tăng lực Number 1... đến nay vẫn giữ vững là những thương hiệu tiêu biểu với chất lượng sản phẩm tốt, được người tiêu dùng ngày càng tín nhiệm. Đây cũng là những thương hiệu đang cố gắng vươn ra thị trường thế giới, mà trước mắt là thị trường các nước trong khu vực, nhằm mang một hình ảnh mới về THQG Việt Nam, thông qua chất lượng hàng hóa, sản phẩm.

Trân Chân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN