Chấn chỉnh chất lượng cổ phiếu niêm yết

Thị trường chứng khoán đang khởi sắc trở lại nhờ kỳ vọng vào các tín hiệu tích cực trong việc điều chỉnh giảm lãi suất của ngân hàng. Hai chỉ số chứng khoán (VN-Index và HNX-Index) đã tăng điểm hơn 10 phiên liên tiếp, theo đó, nhiều cổ phiếu đã tăng giá gần 50% kể từ đầu tháng 9. Tuy nhiên, theo các chuyên gia chứng khoán để thị trường chứng khoán phát triển bền vững thì cần quan tâm nâng cao chất lượng cổ phiếu niêm yết.

Cổ phiếu lên sàn - số lượng không đi kèm chất lượng

Gần đây, việc cổ phiếu DVD của Công ty Cổ phần dược Viễn Đông bị hủy niêm yết vì doanh nghiệp phá sản đã làm cho nhiều nhà đầu tư lo lắng về chất lượng cổ phiếu niêm yết.

Theo một chuyên gia phân tích tài chính (xin không nêu tên), còn nhiều doanh nghiệp có tình trạng tài chính tương tự DVD nhưng chưa bị tuyên bố phá sản.

Ông Nguyễn Văn Thuân, Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông Tài chính StoxPlus cho biết, một doanh nghiệp ngành khoáng sản đã dừng sản xuất từ lâu nhưng cổ phiếu vẫn đang niêm yết và giao dịch bình thường trên sàn. Ông Thuân cho rằng, sự tăng trưởng quá “nóng” về số lượng cổ phiếu lên sàn chứng khoán khiến các cơ quan quản lý không thể kiểm soát được chất lượng doanh nghiệp. Điều này nếu không kịp thời chấn chỉnh sẽ không khỏi có những vụ tương tự như cổ phiếu DVD.

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến các chỉ số tại sàn giao dịch chứng khoán Rồng Việt (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN


Minh chứng cho mối lo của các nhà đầu tư (NĐT) về cổ phiếu kém chất lượng là hiện tượng doanh nghiệp “vô tư” báo cáo lãi trong kết quả kinh doanh năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011, nhưng sau khi kiểm toán vào soát xét báo cáo (BCKT) thì không ít doanh doanh nghiệp lỗ. Ví dụ như Công ty CP Lilama 5 (mã chứng khoán LO5); Công ty CP thủy hải sản Việt Nhật (VNH); Công ty CP Ninh Vân Bay (NVT); Công ty CP đầu tư địa ốc Khang An (KAC); Cổ phiếu POM, VNA, SBA…

Thực tế cho thấy, trong khoảng 10 năm, từ 2000 đến 2009, trên cả hai sàn niêm yết là Hà Nội (HNX) và TP Hồ Chí Minh (HoSE) mới chỉ có khoảng hơn 300 cổ phiếu niêm yết, thì chỉ trong chưa đầy 2 năm (2010 – 2011), cộng cả sàn UpCom, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tổng cộng khoảng 800 doanh nghiệp niêm yết.

“Nhưng, trong tổng số 800 cổ phiếu niêm yết trên thị trường hiện nay chỉ có khoảng 50 doanh nghiệp đảm bảo đạt tiêu chí đầu tư của các tổ chức đầu tư nước ngoài”, ông Thuân cho hay.

Làm gì với hàng hóa kém?

Trước hiện tượng “làm láo, báo cáo hay” của nhiều doanh nghiệp trên sàn, các chuyên gia tài chính cho rằng, cơ quan quản lý cần công khai danh tính những doanh nghiệp có “thâm niên” chậm nộp báo cáo tài chính (BCTC) và BCTC không đúng với công bố để các NĐT tẩy chay, khỏi bị “mắc bẫy” mua phải hàng hóa kém chất lượng.

Bức xúc trước hiện tượng trên, ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam cho rằng, cần tiến tới soát xét báo cáo tài chính quý đối với những các doanh nghiệp niêm yết để NĐT còn kịp… “cảnh giác!”.

Trao đổi với báo giới, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), ông Vũ Bằng thừa nhận, với những sai phạm về công bố thông tin của doanh nghiệp, quy định hiện nay chưa mang tính răn đe do số tiền bị phạt không nhiều. Cạnh đó là quy trình quản lý doanh nghiệp niêm yết của SSC và các Sở giao dịch chứng khoán có nhiều vấn đề cần chấn chỉnh. Ông Bằng cho hay, SSC đã làm việc với các sở và đã thống nhất sửa lại các quy trình xử lý doanh nghiệp vi phạm về công bố thông tin để có những biện pháp xử lý nhanh, kịp thời hơn đối với những sai phạm.

Theo lãnh đạo Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường, SSC đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định, chế tài đối với các doanh nghiệp niêm yết theo hướng nâng cao chất lượng hàng hóa. Cụ thể, theo dự thảo quy định hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi, tiêu chuẩn về vốn niêm yết tại sàn HoSE sẽ được nâng lên 120 tỉ đồng, thay cho mức 80 tỉ đồng hiện nay. Doanh nghiệp đăng ký lên niêm yết phải có ít nhất hai năm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần (tính đến thời điểm đăng ký niêm yết). Kết quả kinh doanh của hai năm liền trước năm xin đăng ký niêm yết phải có lãi và không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký niêm yết. Đối với sàn HNX, tiêu chuẩn vốn của doanh nghiệp lên niêm yết được nâng từ 10 tỉ đồng hiện nay lên 30 tỉ đồng. Đồng thời với nâng cao tiêu chuẩn vốn là các quy định về lập BCTC, công bố thông tin định kỳ và đột xuất phải kịp thời. Trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng như giả mạo thông tin thì cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết... SSC cũng đã giao các sở nghiên cứu một số cách thức để tạo sự chú ý nhiều hơn của nhà đầu tư đối với các cổ phiếu nằm trong danh sách bị cảnh báo.

Xuân Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN