Chăm lo cho trẻ em dân tộc thiểu số: Nhiều chính sách trợ giúp

Việc kêu gọi toàn xã hội dành sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn cho trẻ em dân tộc thiểu số, hướng tới giảm bất bình đẳng giữa nhóm trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc so với mặt bằng trẻ em nói chung là một trong những ưu tiên trong giai đoạn hiện nay.


 

Trẻ em dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm hơn. Trong ảnh: Tiêm vắcxin phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ làng Cát, huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị). Ảnh: Hồ Cầu- TTXVN

 

Trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách trợ giúp cho các đối tượng trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt, dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Nhờ đó, cuộc sống và các quyền của trẻ em thuộc đối tượng này được đảm bảo thực hiện tốt hơn.

 

Thiệt thòi và nhiều nguy cơ


Hai chị em Bế Thị Phượng (học lớp 9) và Bế Thị Tấm (lớp 3) người dân tộc Tày, thị trấn Hà Quảng (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) mồ côi bố, nhà nghèo nên đã sớm phải lao động giúp mẹ. Sáng đi học, trưa về ăn vội bát cơm, Phượng phải lùa 2 con trâu đi ăn. Ông bà Tấm đều đã hơn 80 tuổi, bà nội lại bị liệt phải nằm một chỗ, mẹ bận ruộng nương nên Tấm ở nhà trông nom ông bà, cho đàn gà ăn, nấu cơm. Phượng và Tấm chưa từng biết đến khái niệm học hè. “Họp phụ huynh, tôi cũng được thông báo sẽ có chương trình ôn tập hè cho các con. Nếu cho con học thêm, tôi phải mất tiền triệu. Muốn cho con được học lắm chứ, nhưng biết lấy đâu ra chừng đó tiền?”, chị Phan Thị Thuần, mẹ hai cháu thở dài.


Hà Quảng là một huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Cao Bằng, nơi có trên 97% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Theo bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em trên địa bàn còn rất nhiều khó khăn do trình độ dân trí không đồng đều, giao thông đi lại khó khăn, người dân lại vẫn còn tư tưởng sinh nhiều con...


Không riêng Hà Quảng, tại huyện Hòa An (Cao Bằng), trẻ em vùng sâu, vùng xa vẫn phải giúp cha mẹ kiếm sống nên việc học hành chưa được quan tâm chu đáo. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn cao, những vụ trẻ bị tai nạn thương tích và đuối nước vẫn xảy ra. Theo bà Hà Thu Huyền, cán bộ phụ trách công tác trẻ em của huyện Hòa An, tình trạng tảo hôn tại đây vẫn còn khá phổ biến và đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới việc đảm bảo quyền cho trẻ em. “Có không ít trường hợp vợ chồng sinh con nhưng không chịu đi làm giấy khai sinh cho con. Tới khi con bị ốm, phải nằm viện, bác sĩ hỏi thẻ bảo hiểm y tế thì lúc đó mới cuống quýt chạy đi làm giấy khai sinh để được cấp thẻ bảo hiểm y tế”, bà Huyền cho biết. Những thiếu thốn, thiệt thòi của các em nhỏ dân tộc thiểu số như ở Hà Quảng, Hòa An (Cao Bằng) không phải là câu chuyện cá biệt.


Một vấn đề khác đang nổi lên đối với trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa (nhất là những vùng đặc biệt khó khăn) là nguy cơ trẻ phải lao động nặng nhọc, trở thành nạn nhân của đường dây buôn người... Tại huyện Hà Quảng, tuy chưa phát hiện trường hợp trẻ em nào là nạn nhân của nạn buôn người nhưng theo một cán bộ làm công tác trẻ em, việc nhiều người dân qua lại biên giới để tìm việc làm đang diễn ra phổ biến cũng là một trong những nguy cơ dễ xảy ra tình trạng buôn người.

 

Hỗ trợ thiết thực


Chính phủ, các bộ ngành đã có nhiều chính sách quan trọng dành cho đối tượng trẻ em dân tộc thiểu số. Bên cạnh những chính sách chung dành cho trẻ em về trợ cấp xã hội, y tế, giáo dục, còn có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc nội trú; quy định miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010- 2011 đến năm học 2014- 2015.


“Cả nước hiện có khoảng 23,6 triệu trẻ em. Trong đó, trẻ em dân tộc thiểu số chiếm khoảng 35%”, ông Nguyễn Hải Hữu - Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em cho biết.

Cụ thể, trẻ mầm non dân tộc thiểu số được trợ cấp tiền ăn 120.000 đồng/tháng. Trẻ em học trường nội trú được cấp học bổng bằng 80% mức tiền lương tối thiểu. Trẻ học bán trú thì được hỗ trợ bằng 40% mức tiền lương tối thiểu. Trẻ học bán trú phải tự lo chỗ ở sẽ được hỗ trợ thêm 100.000 đồng/tháng. Theo thống kê, hiện có khoảng 800.000 học sinh và khoảng 1 triệu trẻ mầm non hưởng chế độ hỗ trợ này.


Đánh giá về hiệu quả của những chính sách này, bà Trần Thị Tâm, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hà Quảng nói: “Đa phần trẻ em trên địa bàn là người dân tộc thiểu số. Nhờ có chính sách ưu tiên miễn, giảm học phí, học sinh học bán trú được trợ cấp tiền nên tình trạng học sinh bỏ học đã giảm nhiều”.


Theo Đề án Phát triển giáo dục với dân tộc rất ít người giai đoạn 2010- 2015, trẻ em, học sinh và sinh viên dân tộc rất ít người còn được hưởng những quyền lợi đặc thù khác. Cụ thể, toàn bộ học sinh người dân tộc rất ít người hoàn thành chương trình tiểu học được vào học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú huyện hoặc trường phổ thông dân tộc bán trú; toàn bộ học sinh dân tộc rất ít người được học tại các điểm trường ở thôn, bản và ở các trường phổ thông dân tộc bán trú...


Tuy vậy, theo nhận định của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, điều kiện sống và cơ hội phát triển của trẻ em ở các vùng khó khăn thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên so với trẻ em vùng thành thị còn khoảng cách khá xa.

 

Mạnh Minh

Mở rộng chính sách an sinh

Thời gian tới, hệ thống chính sách về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em sẽ được hoàn thiện theo hướng mở rộng chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho trẻ em, đặc biệt là trẻ thuộc các gia đình nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN