Ông Nguyễn Hải Hữu (ảnh), Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em khẳng định, thời gian tới, hệ thống chính sách về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em sẽ được hoàn thiện theo hướng mở rộng chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho trẻ em, đặc biệt là trẻ thuộc các gia đình nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hải Hữu về vấn đề này.
Thưa ông, có ý kiến cho rằng chính sách dành cho trẻ em dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa vẫn còn nhiều bất cập. Ông có bình luận gì về ý kiến này?
Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ thống chính sách đối với trẻ em khá tốt. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai các chính sách này tại một số địa phương còn chưa tốt. Cụ thể, nhiều nơi thực hiện chưa đến nơi đến chốn, chính sách chậm vào cuộc sống. Việc đầu tư cho trẻ em nghèo và trẻ em dân tộc thiểu số cũng chưa đồng đều.
Hiện nay, vẫn còn sự bất bình đẳng giữa những trẻ em dân tộc thiểu số với trẻ em người Kinh. Khoảng cách này đang diễn ra trên tất cả các khía cạnh: trong việc tiếp cận các phúc lợi xã hội, đảm bảo dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận với giáo dục có chất lượng, vui chơi, bảo vệ cuộc sống an toàn lành mạnh. Hiện tỷ lệ trẻ em người dân tộc thiểu số suy dinh dưỡng cao gần gấp đôi so với mức chung, tỷ lệ tử vong dưới 5 tuổi, tỷ lệ bỏ học diễn ra chủ yếu là ở đối tượng trẻ em dân tộc thiểu số.
Chúng ta đang cố gắng mở rộng độ bao phủ của chính sách, định mức hỗ trợ càng tăng càng tốt nhưng cũng không tránh khỏi trong quá trình thực hiện vẫn còn những khoảng trống.
Vậy những chính sách quan tâm đầu tư cho trẻ em dân tộc thiểu số tới đây sẽ được tăng cường như thế nào, thưa ông?
Với chủ trương tạo cơ hội phát triển cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, chúng tôi cho rằng, những chính sách quan tâm đầu tư phải chuyển hướng từ chỗ chúng ta cho các em những gì chúng ta có sang hỗ trợ những thứ các em cần.
Lâu nay, chúng ta đã và đang làm tốt việc xã hội hóa các hình thức quan tâm đến đối tượng trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, các em không chỉ cần quần áo mà cần hơn là mái nhà, sự trợ giúp về giáo dục. Sắp tới, thay vì hỗ trợ những vật dụng cụ thể, chúng ta nên nâng cấp lớp học, xây các nhà bán trú, sân chơi... cho các em.
Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012- 2015 đã được Chính phủ phê duyệt trong đó có Dự án “Phát triển hệ thống cơ sở vui chơi, giải trí cho trẻ em khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”. Dự kiến kinh phí thực hiện dự án là 475 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là xây dựng các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em đúng tiêu chuẩn và phù hợp với điều kiện kinh tế, đặc thù vùng miền. Quan tâm tốt đến các đối tượng này là chúng ta đang đầu tư cho chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.
Xin cảm ơn ông!
Mạnh Minh thực hiện