Vụ hè thu năm nay “cánh đồng mẫu lúa nước” đầu tiên ở Tây Nguyên đã đạt năng suất trên 8,4 tấn thóc/ha, trong khi đó, ruộng sản xuất theo kiểu truyền thống cũng trên diện tích này trước đây cao nhất chỉ đạt 6 tấn thóc/ha.
Cánh đồng mẫu lúa nước được thực hiện tại thôn Tân Hưng, xã Ea Kao (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) có diện tích tập trung 10 ha với 80 hộ dân tham gia. Đây là vùng đất có độ nghiêng ít, điều hòa nước tưới thuận tiện, đa phần nông dân tiếp cận nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ngay từ đầu vụ, được sự giúp đỡ của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, đồng bào đã đưa giống lúa OM 5953 vào gieo sạ đại trà và thực hiện đồng bộ các biện pháp thâm canh từ khâu làm đất, gieo sạ đến chăm sóc, bón phân, làm cỏ...
Việc sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu này không những tạo điều kiện cho nông dân có thêm nhiều kỹ năng trong thâm canh lúa mà còn tiết kiệm được chi phí đầu tư từ thóc giống (chỉ sử dụng 12 kg thóc giống/sào) và phân bón, thuốc trừ sâu... trong khi đó năng suất lúa lại cao. Anh Ama Cơ, người dân tộc Êđê, tham gia sản xuất “cánh đồng mẫu lúa nước” ở thôn Tân Hưng cho biết, năm nay, ruộng nhà anh đạt năng suất gần 1 tấn thóc/sào, chưa bao giờ có năng suất cao như vậy.
Từ kết quả của mô hình này, tỉnh Đắk Lắk sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng thành công thêm nhiều “cánh đồng mẫu lớn” ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng.