Hiện nay cuộc sống xã hội có rất nhiều biến đổi, cái ác, cái xấu tồn tại ngày càng tinh vi và nguy hiểm. Mười năm về trước, chuyện hiếp dâm trẻ em, giết người hàng loạt, giết người đốt xác... đâu có nhiều như nay.
Giờ đây chuyện cướp, giết, hiếp được các phương tiện truyền thông đăng tải thường xuyên cho thấy trong xã hội có đầy hiểm nguy rình rập, đòi hỏi mọi người phải tự nâng cao ý thức cảnh giác, có những biện pháp để bảo vệ sự an toàn cho bản thân và gia đình.
Ở thành thị, các bậc cha mẹ hiện nay thường chăm sóc và bảo vệ con cái theo kiểu “kè kè” bên cạnh. Đến trường lúc nào cũng có người đón đưa, ở nhà thì hạn chế không cho đi đâu một mình...
Trẻ em cần được trang bị những kiến thức tự bảo vệ ngay từ khi còn nhỏ. Ảnh: Kynanggioi.com |
Thậm chí những gia đình giàu có còn thuê hẳn vệ sĩ hoặc người chăm sóc để lúc nào cũng có mặt bên cạnh con để chăm sóc và bảo vệ. Nhưng cũng chính vì trẻ em khu vực thành thị hiện nay được nuôi và chăm sóc quá kỹ từ miếng ăn cho đến việc chơi, việc học khiến cho trẻ em thụ động, không biết ứng phó trong những hoàn cảnh nguy cấp, không biết cách tự bảo vệ bản thân trước nguy hiểm, kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ....
Còn đối với trẻ em khu vực nông thôn, điều kiện đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, sự tiếp nhận và cập nhật thông tin về xã hội không thường xuyên, hơn nữa cha mẹ ít có điều kiện quan tâm đến con cái.
Đa phần trẻ em nơi đây chưa được cha mẹ chỉ bảo về những vấn đề về tâm sinh lý lứa tuổi, các em chỉ hình thành ý thức, kỹ năng qua sự trải nghiệm cùng với bạn bè trang lứa. Chính những điều này đã khiến cho những vụ án xâm hại tình dục ở trẻ em khu vực nông thôn thời gian gần đây diễn ra phức tạp.
Có thể nói trẻ em từ khu vực thành thị đến nông thôn đang thiếu kỹ năng sống để tự vệ và đối mặt với các nguy hiểm xảy ra. Nhiều em rất thơ ngây, dễ dàng bị người lớn dụ dỗ, xúi giục để rồi khi gia đình, nhà trường, xã hội phát hiện ra thì đã muộn, phải làm mẹ khi đang ở tuổi "ăn chưa đủ no, co chưa đủ ấm".
Những năm gần đây, vấn đề kỹ năng sống đang dần dần được đưa vào giảng dạy bằng hình thức lồng ghép vào các môn học cho học sinh từ mầm non đến phổ thông. Tuy nhiên nhà trường cũng như phụ huynh mới chú trọng vào phát triển kỹ năng để sao cho con mình học hành thông minh, nhanh nhẹn hơn như kỹ năng giao tiếp, thích nghi, khám phá thế giới xung quanh... còn kỹ năng tự vệ dường như chưa được chú trọng.
Bên cạnh đó hiện nay không ít bộ phận cha mẹ, thầy cô giáo rất ngại đụng chạm đến vấn đề giới tính cũng như tâm sinh lý các em bởi quan niệm những cái đó không bày cũng biết. Do vậy, vấn đề này đã khiến cho các em mới lớn không được trang bị một cách đầy đủ những hiểu biết, từ đó có những biện pháp ứng xử, giải quyết các tình huống gặp phải trong cuộc sống hiện nay.
Chính vì các em chưa đủ khả năng tự trang bị nên cha mẹ, nhà trường cần quan tâm để dạy trẻ phòng tránh những rủi ro có thể xảy đến trong từng tình huống cụ thể. Cha mẹ, nhà trường phải dạy cho trẻ biết xử lý các tình huống như: Nếu lạc đường sẽ tìm ai để hỏi? Nếu có người lạ đụng chạm vào người, sẽ phải làm gì? Nếu bị ai bắt nạt sẽ kêu cứu như thế nào? Ở nhà một mình thì phải làm gì? Đi đến những nơi hoang vắng thì phải làm sao?...
Những bài học đơn giản như thế sẽ cho các em những kỹ năng để ứng phó trong những hoàn cảnh nguy cấp. Bên cạnh đó, hằng ngày cha mẹ hãy cùng con chơi những trò chơi tình huống, đố con nói gì, làm gì khi ở trong các hoàn cảnh khó khăn (lúc lạc đường, khi bị người lạ rủ đi chơi, khi ở nhà một mình và có sự cố xảy ra…). Ngoài ra, mỗi câu chuyện, những tai nạn nhìn thấy, nghe thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng đều có thể là bài học chia sẻ với trẻ, giúp con hiểu trong tình huống đó nên làm gì, vì sao lại bị như thế…
Văn Thy Hoàng