Cần có chính sách phát triển dân tộc Thủy ở Tuyên Quang

Chúng tôi tìm đến thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), nơi có bộ tộc người Thủy đang sinh sống. Hiện nay, bộ tộc này chỉ còn lại gần 20 hộ với hơn 90 người sống tập trung tại đây và đang đứng trước nguy cơ bị pha trộn chủng tộc bởi các dân tộc khác cùng sinh sống trên địa bàn.

Thiếu nữ dân tộc Thủy đang làm nương.


Theo nguyên Viện trưởng Viện dân tộc học Việt Nam, Tiến sĩ Khổng Diễn, năm 1973, Viện Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Ủy ban Dân tộc và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tổ chức hội nghị, xác nhận dân tộc Thủy ở Tuyên Quang. Đây cũng là nơi duy nhất trong cả nước có dân tộc này sinh sống. Kể từ hội nghị đó, tỉnh chính thức công nhận dân tộc Thủy, nhưng vẫn chưa đưa vào danh sách chính thức 22 dân tộc trên địa bàn.

Chị Lý Thị Toàn, dân tộc Thủy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hồng Quang dẫn chúng tôi đến thăm nhà ông Bàn Văn Kim, 77 tuổi, là người già nhất hiện nay của bộ tộc. Theo ông Kim kể thì người Thủy đã sinh sống trên vùng đất Vị Xuyên (Hà Giang) từ rất lâu đời. Do họ chỉ trồng sắn, tra ngô, cộng với phong tục tập quán lạc hậu nên dân số cứ ít dần, chỉ còn lại khoảng gần 30 hộ và hơn 100 người của 4 họ Lý, Mùng, Bàn, Vàng. Năm 1968 họ di chuyển về sống du canh du cư trên các ngọn núi cao tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Tuyên Quang) và chỉ còn lại 3 dòng họ là Lý, Mùng, Bàn, còn họ Vàng đã bị xóa sổ. Khi thực hiện phong trào hợp tác hóa, địa phương đã đưa các dân tộc thiểu số xuống vùng thấp sống tập trung. Cùng với những dân tộc khác, người Thủy được hướng dẫn làm ruộng nước, còn trước đây họ chỉ trồng sắn, tra ngô nên không bao giờ đủ ăn.

Xã Hồng Quang có hơn 3.000 khẩu và 7 nhóm dân tộc Mông, Dao, Tày, Pà Thẻn, Kinh. Sống giữa cộng đồng các dân tộc nơi đây với số lượng thành viên quá ít ỏi, do đó dân tộc Thủy bỏ tập quán nội hôn. Trong các gia đình người Thủy hiện nay, việc có nhiều thành phần dân tộc như bố người Thủy, mẹ người Pà Thẻn, con dâu cả người Dao, con dâu thứ người Mông, cháu ngoại người Tày không phải là hiếm nữa, dẫn đến sự pha trộn phong tục tập quán trong mỗi gia đình. Phong tục, tập quán của người Thủy cũng vì thế mà thay đổi nhiều, những đồ vật thuần nét văn hóa dân tộc Thủy nay không còn bao nhiêu. Nhà dựng theo kiểu nhà của người Dao, vật dụng không khác gì của người Pà Thẻn, ăn mặc như người Kinh. Chỉ duy nhất tiếng Thủy là chưa lẫn với ngôn ngữ các dân tộc khác.

Hiện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang đã có một số nghiên cứu về dân tộc và văn hóa phi vật thể dân tộc Thủy. Các nghiên cứu đều khẳng định văn hóa của dân tộc này đến nay đã chịu ảnh hưởng quá nhiều từ các dân tộc khác trên địa bàn. Cứ theo đà này, một ngày không xa dân tộc Thủy sẽ có nguy cơ bị xóa sổ hoặc trở thành một nhánh của dân tộc khác, mặc dù họ rất mong được Nhà nước công nhận dân tộc gốc của họ.

Bài và ảnh: Lý Thanh Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN