Các nước phương Tây tăng cường sức ép với Nga

Trong khi chỉ còn vài chục giờ nữa là diễn ra cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea (Crưm), các nước phương Tây tiếp tục tăng cường gây sức ép với Nga bằng cả nghị quyết và lời cảnh báo, sau khi Moskva kiên quyết từ chối đối thoại với chính phủ tạm quyền tại Kiev và kêu gọi các bên thực thi thỏa thuận đã đạt được về cải cách Hiến pháp.


Gia tăng sức ép


Ngày 13/3, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thông báo đã ngừng quy trình xem xét cho Nga gia nhập nhóm này theo yêu cầu của các thành viên. OECD cũng nhất trí rằng tổ chức này cần có các "phản ứng tích cực" với yêu cầu của Ukraine về củng cố cơ chế hợp tác song phương hiện có. Theo OECD, tăng cường hợp tác với Ukraine có thể giúp nước đang rơi vào khủng hoảng này tận dụng được những kinh nghiệm của OECD trong giải quyết các thách thức chính sách công đang phải đối mặt.


Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo các lợi ích kinh tế và chính trị của Nga sẽ bị tổn hại nghiêm trọng trong một thời gian dài nếu nước này tiếp tục bảo lưu lập trường trong vấn đề tự trị của nước CH Crimea.



Tuần hành ủng hộ Nga ở Sevastopol ngày 12/3.


Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu trước Quốc hội Đức, bà Merkel nhấn mạnh nếu Nga không thay đổi lập trường, tình hình sẽ trở nên tồi tệ không chỉ với Ukraine mà cả Nga. Điều này sẽ không chỉ làm thay đổi quan hệ của Liên minh châu Âu (EU) với Nga, mà còn gây ra những thiệt hại kinh tế và chính trị nghiêm trọng cho Moskva. Nhà lãnh đạo Đức cảnh báo EU có thể thực thi cấp độ trừng phạt thứ ba đối với Nga, song bác bỏ hành động quân sự để giải quyết vấn đề. Theo bà, cấp độ trừng phạt thứ hai của EU (theo kế hoạch là phong tỏa tài khoản và cấm đi lại) sẽ sớm có hiệu lực nếu Nga không làm dịu tình hình.


Thủ tướng Đức cũng khẳng định EU và Mỹ vẫn tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraine, ám chỉ tới việc lập một nhóm tiếp xúc đối thoại giữa Moskva và Kiev - vấn đề cho tới nay phía Nga vẫn từ chối. Bà cũng cho rằng hành động quân sự không phải là cách để giải quyết cuộc khủng hoảng.


Các nước phương Tây cũng đang cân nhắc đệ trình một nghị quyết lên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về sự kiện Ukraine, cho dù dự thảo này gần như chắc chắn sẽ bị Nga phủ quyết. Dự kiến nghị quyết sẽ kêu gọi tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine và nhắc lại rằng trưng cầu ý dân ở Crimea vi phạm hiến pháp Ukraine.


Cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea một lần nữa bị Tổng thống Mỹ Barack Obama bác bỏ tính pháp lý sau khi ông này gặp Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk tại Nhà Trắng. Ông Obama hi vọng các nỗ lực ngoại giao trong vài ngày tới sẽ khiến các bên “nghĩ lại” về kế hoạch tổ chức trưng cầu ý dân ở Crimea. Ông muốn nhắc tới cuộc gặp sắp tới của ngoại trưởng hai nước Nga và Mỹ tại London (Anh) vào ngày 14/3.


Nga khẳng định không khởi xướng khủng hoảng


Trước việc phương Tây không ngừng gia tăng sức ép, Nga đã đưa ra những tuyên bố đáp trả mạnh mẽ.


Phát biểu ngày 13/3 tại buổi tiếp trưởng đoàn thể thao các nước tham dự Paralympic ở Sochi, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga không khởi xướng cuộc khủng hoảng tại Ukraine hiện nay và Kiev cũng như phương Tây không thể đổ lỗi cho Moskva về những diễn biến tại nước CH tự trị Crimea. Tổng thống Putin cũng đánh giá cao nỗ lực của các vận động viên và các đoàn thể thao để có một kỳ Paralympic thành công, không bị các yếu tố chính trị tác động.


Theo một cuộc khảo sát xã hội của Trung tâm nghiên cứu ý kiến công chúng toàn nước Nga, tỷ lệ ủng hộ ông Putin đã lên mức cao nhất trong vòng vài năm qua, đạt 71,6%. Trong khi đó, Tổ chức phi chính phủ chống chiến tranh và bảo vệ nhân quyền "Answer Coalition" có trụ sở tại Mỹ ngày 13/3 đã phát động chiến dịch phản đối nhà chức trách Mỹ viện trợ tài chính cho chính quyền mới ở Kiev (Ukraine). Trên trang web chính thức, tổ chức này đã đăng tải thông điệp phản đối chính phủ Mỹ dưới dạng một bức thư điện tử, để bất kỳ người dân nào cũng có thể gửi email tới các nhà lập pháp Mỹ và Nhà Trắng trực tiếp từ trang này.

Trong khi đó, phát biểu với báo giới cùng ngày tại Moskva, Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Nga Alexei Likhachev tuyên bố nước này không loại trừ các biện pháp trả đũa phương Tây trong trường hợp Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nước này. Ông nhấn mạnh Moskva đã sẵn sàng đối phó với mọi biện pháp trừng phạt của Washington và Brussels, và đang xem xét những tình huống khác nhau để có hành động đáp trả tương xứng.


Cùng ngày, hàng chục nghìn người tại các thành phố thuộc vùng Altai của Nga gồm Barnaul, Byisk và Rubsovsk đã xuống đường tuần hành và tổ chức mít tinh ủng hộ người nói tiếng Nga ở Ukraine và CH tự trị Crimea. Dự kiến, Crimea sẽ tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về việc sáp nhập vào LB Nga vào ngày 16/3 tới.


Về phần mình, để đối phó với Nga, chính quyền Ukraine đã có những động thái riêng. Quốc hội nước này đã bỏ phiếu nhất trí thành lập đội vệ quốc gồm 60.000 tình nguyện viên.


Ngoài ra, quốc hội Ukraine cũng đã kêu gọi Liên hợp quốc thảo luận về hành động của lực lượng Nga tại Crimea và cho rằng mình có quyền đề nghị các nước trợ giúp để giải quyết vấn đề.

 

T.D - TTG

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN