Bú bình làm tăng nguy cơ tắc dạ dày

Trẻ sơ sinh được cho bú bình dễ bị mắc bệnh hẹp môn vị phì đại (HPS), một dạng tắc dạ dày. Đây là kết luận do các nhà khoa học Mỹ vừa đưa ra.


Các nhà khoa học đã phân tích số liệu được bang Washington công bố về những đứa trẻ sinh trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến 2009. Các số liệu cho thấy các ca mắc HPS giảm từ 14 trường hợp/10.000 trẻ sơ sinh năm 2003 còn 9 trường hợp năm 2009. Xu hướng này xuất hiện cùng với trào lưu nuôi con bằng sữa mẹ tăng từ 80% năm 2003 lên 94% năm 2009.

 

Ảnh minh họa


Trong số 714 trẻ bị mắc HPS và phải phẫu thuật trong thời gian này, khoảng 19,5% bệnh nhi được cho bú bình, so với tỷ lệ 9% trẻ bú mẹ. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng cho rằng nguy cơ mắc HPS tăng cao khi các bà mẹ sinh con ở độ tuổi trên 35 và đã có ít nhất một đứa con.


Báo cáo cũng nhận định mặc dù số liệu dẫn đến giả thuyết là việc bú bình làm tăng nguy cơ mắc bệnh HPS, song nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa rõ ràng mà cần có các nghiên cứu sâu. Tuy nhiên, nó sẽ mở ra hướng mới cho việc nghiên cứu nguyên nhân, cơ chế gây ra bệnh HPS ở trẻ sơ sinh.


Hẹp phì đại môn vị là một bệnh ngoại khoa thường gặp ở trẻ trong độ tuổi sơ sinh và bú mẹ (3 tuần-6 tháng). Bệnh có biểu hiện lâm sàng là hội chứng nôn do hẹp lòng môn vị, khu vực nối giữa dạ dày và ruột non bởi sự phì đại thái quá của lớp cơ khu vực này. Mặc dù đây là một căn bệnh thường gặp với tỷ lệ 2/1.000 trẻ sơ sinh mắc phải, song cho đến nay chưa có một nguyên nhân nào được xác định chính xác. Cách điều trị cho chứng bệnh này là phẫu thuật mở cơ môn vị ngoài niêm mạc.


TTG

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN