Lũ chồng lũ
Do giao thông bị chia cắt bởi mưa lũ, sau gần 20km đi bộ, chúng tôi mới đến được Trường Tiểu học và Trường Trung học Cơ sở Tà Hộc. Đây là trường học có cơ sở vật chất bị thiệt hại nhiều do mưa lũ.
Trong ba ngày từ 28 - 30/8, tại Trường Tiểu học và Trường Trung học Cơ sở Tà Hộc phải hứng chịu 3 cơn lũ liên tiếp. Không những thế, những trận lũ sau còn gây hậu quả nặng hơn. Cô giáo Lê Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn cho biết, do Nhà trường có vị trí một bên là suối, một bên là núi nên đã chịu ảnh hưởng lớn khi lũ về. Những ngày qua, giáo viên phải thức trắng đêm để vừa thu dọn đồ đạc vừa đề phòng lũ quét bất ngờ. Sau khi nước lũ rút, các giáo viên đã rất nỗ lực để cứu tài sản còn lại.
Cơn lũ đi qua, cũng là lúc các giáo viên ở đây phải đối mặt với nhiều khó khăn khác. Đó là việc tuyến đường giao thông chính từ trung tâm huyện đến đây đã bị cắt đứt, trường học hoàn toàn bị cô lập. Sau gần một tuần chống chọi ở vùng lũ, lương thực đã cạn kiệt. Việc tiếp tế gặp rất nhiều khó khăn vì mưa kéo dài và phải đi bộ nhiều giờ liền. Cô Hoàng Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tà Hộc chia sẻ, mấy hôm nay, mưa lũ đã cuốn trôi hết thực phẩm, rau xanh là điều xa xỉ. Không còn rau ăn, các giáo viên phải vào nhà dân hoặc lên rừng lấy các loại rau dại về ăn tạm. Nhà trường cũng nhận được sự sẻ chia của bà con xung quanh. Mặc dù họ cũng rất khó khăn, thương các thầy giáo cô giáo, bà con đã tận tình giúp đỡ.
Khó khăn nhất là ở các điểm trường lẻ, khi đường giao thông bị chia cắt, các giáo viên ở đây không thể về nhà để lấy quần áo, lương thực được. Cô Mùi Thị Kiều, Trường Tiểu học Tà Hộc tâm sự, ở khu lẻ không có điện, nước và mì tôm, gạo cũng hết. Còn một ít gạo cũng bị dính bùn, giáo viên phải lấy đi rửa rồi nấu cơm. Quần áo chỉ có một bộ mặc trong mấy ngày nay.
“Anh chị em chia nhau từng gói mì, quả trứng. Nam nữ mặc quần áo chung hết, khô cái nào là lấy ra mặc. Tối đến là chiến dịch hong quần áo. Chúng tôi đốt lửa to lên cho khô, để lấy cái mặc tiếp khi lao động vào ngày mai”, cô Mùi Thị Kiều chia sẻ.
Khó đảm bảo thời gian bắt đầu năm học mới
Dưới cơn mưa tầm tã, hơn 100 người là giáo viên, phụ huynh cùng các chiến sỹ quân đội, công an vẫn không dừng việc dọn dẹp trên sân trường Tiểu học và trường Trung Cơ sở xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn. Sân trường và trong các lớp học vẫn ngập đầy bùn đất. Những lớp bùn dày có nơi lên đến 1m là hậu quả của việc mưa lũ trong những ngày qua khiến nước suối lên cao và tràn vào. Không khí lao động đang hết sức khẩn trương để có thể dọn bớt lớp bùn đất trước ngày khai giảng.
Cô giáo Lê Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Tà Hộc cho biết, sau đợt lũ thứ hai, hơn 500 công lao động của các thầy cô và phụ huynh đã bỏ ra để dọn dẹp trường học. Nhưng khi hoàn thành gần 80% công việc, đợt lũ thứ ba ập đến. Bao nhiêu công sức đã bỏ ra lại bị nước lũ nhấn chìm và mọi thứ phải làm lại từ đầu.
Tà Hộc là xã đặc biệt khó khăn, có địa hình chủ yếu là đồi núi. Các trường học ở đây lại nằm ven những dòng suối lớn nên mưa lũ càng gây thiệt hại nặng nề hơn. Hai trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Tà Hộc đã có hàng chục phòng học hư hỏng, nhiều bộ bàn ghế, sách giáo khoa bị ngập trong bùn. Thiệt hại ban đầu ước tính gần 3 tỷ đồng. Hiện nay, việc chuẩn bị cho ngày khai giảng và bắt đầu năm học tại các trường học ở xã Tà Hộc đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhà trường đang tính đến phương án phải lùi ngày học vì ngoài cơ sở vật chất bị ảnh hưởng, đường giao thông từ các bản đến trường đang bị chia cắt. Do đó, các học sinh không thể đến trường đúng ngày quy định.
Đối với hệ thống cơ sở vật chất bị hư hỏng, ngành Giáo dục huyện Mai Sơn đã có các phương án khắc phục. Ông Phạm Văn Khanh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mai Sơn cho biết: Hiện nay, đơn vị đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện chuẩn bị đầy đủ sách giáo khoa, bàn ghế cho các cháu. Tuy nhiên, do đường giao thông đang bị cô lập, trong thời gian tới, khi thông tuyến, chúng tôi sẽ kịp thời vận chuyển cho các trường nhằm đảm bảo công tác dạy và học.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mai Sơn Hà Văn Bình cho biết thêm, hiện nay đối với các điểm trường tập trung, huyện vẫn chỉ đạo khai giảng đúng lịch chung vào ngày 5/9. Một số điểm trường còn khó khăn, bị chia cắt do mưa lũ, huyện đã có kế hoạch giãn thời gian học, bố trí thời gian học bù khi các điều kiện về sĩ số học sinh và cơ sở vật chất đảm bảo.