Trẻ tiêm ngừa vắc xin Tiêm chủng mở rộng tại Viện Pastuer Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy-TTXVN |
Ngày 21/12, theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, điều này đe dọa tính mạng của các bé và gây nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Hiện nay vẫn còn bộ phận không nhỏ các bậc phụ huynh ở các thành phố lớn không tin cậy vào vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, muốn tìm đến các điểm tiêm chủng dịch vụ hoặc bay ra nước ngoài để đăng ký tiêm cho trẻ với chi phí rất cao.
Lợi dụng tâm lý đó, thị trường xuất hiện dịch vụ đăng ký tiêm chủng dịch vụ và tiêm vắc xin “xách tay” gây xôn xao dư luận. Những phụ huynh trên chưa hiểu rõ rằng vắc xin nào cũng có tỷ lệ phản ứng nặng nhất định vì tiêm vắc xin là quá trình đưa kháng nguyên lạ vào cơ thể. Vì thế không có loại vắc xin nào đạt đến độ an toàn 100%.
PGS.TS.Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định: Bộ Y tế tuyệt đối cấm việc buôn bán vắc xin ngoài thị trường và khuyến cáo người dân không nên tự mua, tự tiêm vắc xin “xách tay” vì vắc xin này chưa được kiểm định chất lượng, không được bảo quản đúng quy trình, đúng nhiệt độ nên rất dễ gây ra phản ứng nguy hiểm cho cơ thể. Những vắc xin “xách tay” không chắc chắn được kiểm định về chất lượng hay không, người tiêm cũng có thể không có kỹ thuật, không đủ các phương tiện cấp cứu nếu xảy ra phản ứng.
Theo dự kiến, năm 2016, việc nhập các vắc xin dịch vụ của Pháp, Bỉ về nước ta vẫn sẽ gặp khó khăn. Nguyên nhân là do các nước sản xuất vắc xin chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng lớn, từ cách đây 2-3 năm, do đó không dư ra để bán theo nhu cầu đột biến của Việt Nam.
PGS.TS.Trần Đắc Phu nhấn mạnh: “Cơ hội vàng” để tiêm vắc xin đạt tỷ lệ miễn dịch cao nhất là khi trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi. Giữa các mũi tiêm tối thiểu là 4 tuần. Đây là khoảng thời gian trẻ rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và khi mắc thì nguy cơ biến chứng, nguy hiểm đến tính mạng rất lớn. Ngoài ra, các nghiên cứu chỉ ra rằng, đây là “thời gian vàng” để vắc xin phát huy miễn dịch cao nhất, lên đến 80-90%. Nếu trẻ không tiêm đủ mũi, khả năng miễn dịch càng giảm, thậm chí về không.
Nhằm bảo vệ sức khỏe của trẻ và ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo: Quyền lựa chọn loại vắc xin nào tiêm cho trẻ thuộc về các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, các gia đình phải hiểu rõ về nguồn gốc và chất lượng của lô vắc xin, cũng như kỹ thuật của người chịu trách nhiệm tiêm cho bé.
Phụ huynh cần nắm rõ lịch tiêm của bé, bảo đảm tuân theo lịch tiêm chủng đã được Bộ Y tế quy định. Nếu liều vắc xin 5 trong 1 nào bị bỏ lỡ hoặc tiêm muộn thì cần phải tiêm sớm ngay, không cần phải tiêm lại từ mũi đầu. Nếu trẻ nào đã tiêm vắc xin dịch vụ 5 trong 1 nhưng sau đó không có vắc xin dịch vụ thì có thể chuyển sang tiêm vắc xin Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng mà không lo ngại khả năng miễn dịch giảm.
Phụ huynh có nhu cầu tiêm cho con tốt nhất nên đến các trung tâm y tế, cơ sở tiêm chủng Bộ Y tế quy định để được tư vấn đầy đủ; tuyệt đối không được bỏ tiêm chủng, khiến trẻ nguy hiểm tính mạng và có thể gây dịch trong cộng đồng. Nhờ tiêm chủng, mỗi năm tại nước ta có khoảng 1,2 - 1,3 triệu trẻ em được tiêm chủng miễn phí, phòng 11 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Ngoài ra, kể từ khi có chương trình tiêm chủng mở rộng, ước có khoảng 43.000 trẻ em đã được cứu sống nhờ vắc xin. Nhiều loại bệnh nguy hiểm khác cũng đã được loại trừ, giảm hẳn như bại liệt, uốn ván sơ sinh, sởi, viêm gan… Công tác tiêm chủng trong những năm qua đạt được thành tựu đáng kể nhờ sự nỗ lực hết mình của ngành y tế, đặc biệt là sự tận tâm của các cán bộ phụ trách tiêm chủng tại từng địa phương.