Bình ổn giá cho người thu nhập thấp

Việc triển khai chương trình bình ổn giá cả thị trường một số mặt hàng thiết yếu hướng tới khu công nghiệp, vùng ngoại thành của Hà Nội năm 2013 đã bước đầu giúp ổn định cuộc sống của những người có thu nhập thấp.


Kiềm chế giá tăng đột biến


Với những công nhân của các khu công nghiệp, chương trình bình ổn giá rất được họ quan tâm. Chị Thu Huyền, công nhân một doanh nghiệp Nhật chuyên làm đồ nhựa, đang đi mua sắm tại siêu thị khu công nghiệp Bắc Thăng Long (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) cho biết: "Trước đây, cứ mỗi đợt mưa bão, giá rau và thịt ở ngoài chợ sẽ tăng, ảnh hưởng tới chi tiêu của người lao động. Nhưng nay, nhờ có chương trình bình ổn giá tại một số điểm bán hàng, nên dù mưa bão, giá của những mặt hàng thiết yếu vẫn thấp hơn ngoài chợ. Chúng tôi rất yên tâm".

Một điểm bán gạo bình ổn giá của Công ty cổ phần phân phối - VNF1 (Tổng công ty Lương thực miền Bắc) tại quận Thanh Xuân. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Cũng theo chị Thu Huyền, nhờ chương trình bình ổn giá nên những suất ăn của doanh nghiệp cũng được đảm bảo hơn, đủ dinh dưỡng, tạo điều kiện cho công nhân có sức khỏe để làm việc.


Bắt đầu triển khai từ tháng 7/2013 và kết thúc vào tháng 4/2014, chương trình bình ổn giá của Hà Nội năm 2013 tập trung mở rộng việc đưa hàng về khu công nghiệp, khu chế xuất, các bếp ăn tập thể dành cho công nhân, bếp ăn trường học, với đối tượng có thu nhập thấp. Có 13 doanh nghiệp tham gia chương trình, với 7 nhóm hàng thiết yếu, gồm: Gạo tẻ thường (5.500 tấn); thịt lợn (900 tấn); thịt gà (450 tấn); trứng gà, vịt (6 triệu quả); thuỷ hải sản (300 tấn); dầu ăn (1,5 triệu lít); rau, củ (2.000 tấn); để bán tại các điểm bán hàng bình ổn trong thành phố. Theo quy định, khi thị trường xảy ra biến động về giá cả, các doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ bán các mặt hàng bình ổn với mức giá thấp hơn 10% so với thị trường.


Bên cạnh việc đưa hàng bình ổn tới các điểm bán hàng cố định, các đơn vị sẽ tổ chức khoảng 400 chuyến hàng lưu động đến các địa bàn khu vực vùng xa, miền núi, tổ chức 38 phiên chợ Việt tại khu ngoại thành, khu công nghiệp với quy mô từ 15-20 gian hàng/phiên.


Ông Hồ Quốc Khánh, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Hà Nội) cho biết: Chương trình bình ổn sẽ góp phần kiềm chế giá cả tăng đột biến, đồng thời chống nạn đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, nhất là thời điểm mưa bão, trước Tết.


Giảm khâu trung gian


Có một thực tế, phần lớn các mặt hàng thiết yếu thuộc chương trình bình ổn giá là hàng phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, chịu nhiều tác động về thời tiết, dịch bệnh. “Sau mưa bão, giá rau tăng gấp đôi, thậm chí theo khảo sát, giá bán từ sản xuất đến tiêu dùng chênh nhau 70-100% do nhiều khâu trung gian”, ông Chu Xuân Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội Hapro, một trong những doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá, cho biết.


Do đó, theo ông Xuân Kiên, để triển khai hiệu quả chương trình bình ổn giá, Hà Nội cần có chính sách dài hơi, ổn định qua các năm, nhằm tạo thành chuỗi liên kết giữa sản xuất, phân phối, cho đến bán lẻ, để giảm khâu lưu thông, từ đó tạo giá bán tương đối ổn định. Đồng thời, thành phố có chính sách phát triển nông nghiệp, đảm bảo ổn định nguồn cung cấp; quản lý chặt chẽ nơi sản xuất để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá bán hợp lý, tránh việc đầu cơ tích trữ.


Là một trong những đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá, đại diện Công ty An Việt cho biết, hiện công ty đã ký hợp đồng với 70 đơn vị là nhà máy, trường học, cơ quan để triển khai chương trình bình ổn giá trực tiếp tới bữa ăn. Công ty cũng dự kiến tổ chức 78 chuyến bình ổn lưu động, chủ yếu ở khu công nghiệp và khu dân cư có thu nhập thấp.

Về vấn đề này, ông Hồ Quốc Khánh cho biết: "Thành phố sẽ tạo điều kiện, cơ chế cho doanh nghiệp hợp tác, liên kết với các nhà sản xuất, hộ nông dân ở 7 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, 6 tỉnh biên giới và các tỉnh phía nam để thu mua hàng hóa tận gốc. Thành phố cũng sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp một phần chi phí hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới, qua đó giảm bớt giá thành. Đồng thời, khâu vận tải với một số hàng nông sản sẽ có những tính toán, ưu tiên nhất định, như việc vận chuyển hàng đông lạnh về đến kho, tránh tình trạng xe chở hàng không được vào nội thành trong giờ cao điểm, khiến hàng bị hỏng, dẫn tới chi phí bị "đội" lên”.


Tuy nhiên, theo ông Hồ Quốc Khánh, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm nguồn hàng để cung ứng, hạn chế tình trạng tư thương độc quyền, lũng đoạn giá. "Hiện Sở Công Thương cũng đang nghiên cứu việc thực hiện chương trình bình ổn qua hỗ trợ qua lãi suất vay. Theo đó, tùy vào mặt hàng bình ổn sẽ có mức lãi suất vay ưu đãi. Nếu được thành phố phê duyệt, đề án sẽ áp dụng thực hiện vào năm 2014, song hành với chương trình vay vốn ưu đãi của chương trình bình ổn giá", ông Hồ Quốc Khánh cho biết.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Tăng cường kiểm tra để tránh đầu cơ

Hà Nội đã tạm ứng 318 tỷ đồng cho 13 doanh nghiệp tham gia bình ổn 7 nhóm hàng hóa thiết yếu. Chương trình thực hiện tại khoảng 800 điểm bán hàng, 90 bếp ăn tập thể. Sở tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng các biện pháp phòng ngừa, xử lý các trường hợp về đầu cơ hàng hóa bởi đây là nguyên nhân chính của những cơn sốt giá đột biến.

Ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội: Hình thành vùng sản xuất lớn

Để chủ động cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng 109 mô hình cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao. Đồng thời xây dựng thương hiệu “Gạo Thủ đô” và đã tiêu thụ khoảng 70% lúa gạo chất cao. Bên cạnh đó, Sở hình thành vùng sản xuất rau an toàn với 4.500 ha. Hiện lượng rau do huyện ngoại thành đảm bảo cung cấp 60% nhu cầu. Số còn lại từ các tỉnh lân cận. Sở cũng đã ký kết hợp tác với tỉnh thành để có nguồn rau bảo đảm, an toàn.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội: Đảm bảo chất lượng hàng hóa Các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để người dân tiêu dùng các sản phẩm an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ, không vì tham rẻ hoặc thiếu hiểu biết mà sử dụng các thực phẩm nhập lậu, trôi nổi, không bảo đảm an toàn trên thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN