Bệnh nhân châu Âu đầu tiên nhiễm Ebola

Ngày 7/8, một nhà truyền giáo người Tây Ban Nha bị nhiễm virus Ebola khi làm việc tại Liberia đã được đưa về nước để chữa trị. Đây là ca nhiễm bệnh Ebola đầu tiên được đưa về châu Âu.

 

Nạn nhân trở về từ Tây Phi


Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha cho biết ông Miguel Pajares, giáo sĩ 75 tuổi dòng Thiên Chúa giáo, đã được đưa về căn cứ không quân Torrejon ở thủ đô Mandrid trên chiếc máy bay Airbus A310. Thông báo chính thức từ phía tổ chức cứu trợ Juan Ciudad ONGD ở Tây Ban Nha, cơ quan chủ quản của giáo sĩ Miguel, cho biết kết quả xét nghiệm tại bệnh viện Saint Joseph ở thủ đô Monrovia (Liberia) cho thấy ông này đã bị nhiễm virus Ebola. Đây cũng chính là bệnh viện ông Miguel đang làm việc và có nhiều bệnh nhân nhiễm virus Ebola.

 

Giáo sĩ Miguel Pajares được chuyển qua căn cứ không quân Torrejon ở Mandrid về nơi chữa trị ngày 7/8. Ảnh: AFP


Cùng trở về nước trên chuyến bay với ông Miguel còn có nữ tu sĩ Juliana Bonoha Bohe, người làm việc cùng ông ở Liberia. Dù chưa có kết quả xét nghiệm nào cho thấy nữ tu sĩ trên bị nhiễm virus Ebola nhưng việc cách ly để điều trị vẫn sẽ được áp dụng. Cả hai sẽ được cách ly và điều trị tại bệnh nhiệt đới Carlos III ở Madrid.


SADC họp khẩn phòng chống dịch

 

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, ngày 6/8, Bộ trưởng y tế 15 nước thuộc Cộng đồng Phát triển Miền Nam châu Phi (SADC) đã triệu tập một phiên họp khẩn tại thành phố Johannesburg của Nam Phi để thảo luận các biện pháp phòng chống dịch Ebola lây lan. Tại cuộc họp, các nước SADC đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc đề phòng và đối phó với dịch bệnh, đặc biệt trong bối cảnh dịch Ebola đang hoành hành tại Tây Phi và có nhiều nguy cơ lây lan rộng.


Hội nghị đã ra tuyên bố kêu gọi các nước thực hiện những biện pháp khẩn cấp để bảo đảm không bùng nổ dịch bệnh trong khu vực. Hội nghị cũng nhất trí về một chiến lược, theo đó các cơ quan chính phủ cũng như các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo và cộng đồng cần hợp tác, phối hợp chặt chẽ trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế nhằm nâng cao cảnh giác về hiểm họa Ebola, bảo đảm phòng ngừa và ứng phó một cách tối ưu.


Cuộc họp khẩn của giới chức y tế SADC diễn ra giữa lúc các chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đang nhóm họp tại Geneva (Thụy Sĩ) nhằm đề ra những biện pháp mới ngăn chặn đà lây lan nhanh chóng của căn bệnh nguy hiểm này, đồng thời cân nhắc về khả năng công bố đại dịch toàn cầu.


Trước nguy cơ dịch bệnh ngày càng lan rộng, chính phủ Liberia đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Trong một tuyên bố chính thức, Tổng thống Liberia Ellen Johnson-Sirleaf nói rằng tình trạng khẩn cấp quốc gia sẽ “kéo dài 90 ngày, bắt đầu từ ngày 6/8... nhằm bảo vệ sự tồn vong của quốc gia và tính mạng của người dân”. Cũng giống Liberia, Nigeria cùng ngày đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi ghi nhận thêm 5 ca nhiễm bệnh và một y tá đã tử vong vì virus Ebola. Y tá này đã chăm sóc bệnh nhân người Mỹ gốc Liberia Patrick Sawyer - người đã tử vong hồi tháng trước. Hiện 5 người còn lại từng tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân Patrick Sawyer cũng đang được điều trị cách ly ở thành phố Lagos - nơi có 21 triệu dân sinh sống.


Theo số liệu thống kê chính thức của WHO, kể từ khi dịch bùng phát đầu năm nay đã có 932 người tử vong do virus Ebola và 1.711 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó chủ yếu là tại các nước Tây Phi. Hiện Guinea là nơi có tỷ lệ tử vong cao nhất, với 495 người nhiễm bệnh và 363 trường hợp tử vong kể từ khi dịch bệnh Ebola bùng phát hồi đầu năm nay.


TTG


 

Bộ Y tế ra Kế hoạch hành động phòng chống vi rút Ebola
Bộ Y tế ra Kế hoạch hành động phòng chống vi rút Ebola

Căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, nguy cơ dịch sốt xuất huyết do vi rút Ebola có thể xâm nhập vào Việt Nam cũng như có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động các biện pháp phòng chống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN