SADC họp khẩn về dịch Ebola

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, ngày 6/8, Bộ trưởng y tế 15 nước thuộc Cộng đồng Phát triển Miền Nam châu Phi (SADC) đã triệu tập phiên họp khẩn tại thành phố Johannesburg của Nam Phi để thảo luận các biện pháp ứng phó nếu dịch Ebola lây lan sang khu vực này.

 

Người dân Liberia đọc thông báo về dịch bệnh Ebola tại một trung tâm y tế cộng đồng ở Monrovia ngày 31/7. Ảnh:AFP-TTXVN

 

Tại cuộc họp, với sự tham dự của đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các bên liên quan, các nước SADC đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc đề phòng và đối phó với dịch bệnh, đặc biệt trong bối cảnh dịch Ebola đang hoành hành tại Tây Phi và có nhiều nguy cơ lây lan rộng.

 

Hội nghị đã ra tuyên bố kêu gọi các nước thực hiện những biện pháp khẩn cấp để đảm bảo không bùng nổ dịch bệnh trong khu vực. Hội nghị cũng nhất trí về một chiến lược, theo đó các cơ quan chính phủ cũng như các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo và cộng đồng cần hợp tác, phối hợp chặt chẽ trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế nhằm nâng cao cảnh giác về hiểm họa Ebola, đảm bảo phòng ngừa và ứng phó một cách tối ưu, đồng thời cam kết cung cấp các nguồn tài chính bổ sung để hỗ trợ công tác phòng ngừa. Khi phát hiện trường hợp nghi vấn, các cơ quan chức năng có trách nhiệm khẩn trương cách ly, truy tìm các mối liên hệ và chia sẻ thông tin kịp thời với WHO.

 

Cuộc họp khẩn của giới chức y tế SADC diễn ra giữa lúc các chuyên gia WHO cũng đang nhóm họp tại Geneva (Thụy Sĩ) nhằm đề ra những biện pháp mới ngăn chặn đà lây lan nhanh chóng của căn bệnh nguy hiểm này, đồng thời cân nhắc về khả năng công bố đại dịch toàn cầu.

 

Cũng trong ngày 6/8, Bộ trưởng Y tế Nigeria Onyebuchi Chukwu cho biết nước này đã ghi nhận thêm 5 ca nhiễm bệnh và một y tá đã tử vong vì virus Ebola. Y tá này chính là người đã chăm sóc cho bệnh nhân người Mỹ gốc Liberia Patrick Sawyer - cũng đã tử vong hồi tháng trước. Hiện 5 người còn lại từng tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân Patrick Sawyer cũng đang được điều trị cách ly ở thành phố Lagos - nơi có 21 triệu dân sinh sống. Sự xuất hiện của Ebola tại thành phố đông dân nhất tại vùng Hạ Sahara của châu Phi này đang làm dấy lên mối lo ngại mới, bởi Lagos có các liên kết rộng rãi với nhiều khu vực trên thế giới. Chính phủ Nigeria đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trước tình hình dịch bệnh ngày càng lan rộng.

 

Tổng thống Liberia Ellen Johnson-Sirleaf ngày 6/8 cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trước sự bùng phát của dịch bệnh Ebola. Trong một tuyên bố chính thức, bà Sirleaf nói: "Chính phủ và người dân Liberia cần có các biện pháp đặc biệt để bảo vệ sự tồn vong của quốc gia và tính mạng của người dân. Tôi tuyên bố, tình trạng khẩn cấp kéo dài 90 ngày trên toàn bộ lãnh thổ nước Cộng hòa Liberia, bắt đầu từ ngày 6/8".

 

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Y tế Saudi Arabia cùng ngày cho biết một người đàn ông được điều trị các triệu chứng giống như các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết do Ebola đã tử vong tại một bệnh viện ở Jeddah. Nếu được xác định, đây sẽ là ca tử vong do Ebola đầu tiên ở ngoài châu Phi.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Chính phủ Ai Cập đang hết sức lo ngại về khả năng lây lan virus Ebola sau khi 8 trường hợp nghi nhiễm được phát hiện trong ngày 5/8 tại tỉnh Menoufia, miền Bắc nước này. Truyền thông địa phương cho biết tất cả các trường hợp trên vừa trở về từ các nước có dịch gồm Sierra Leone, Guinea và Guinea Xích đạo. Phó Giám đốc Cơ quan y tế tỉnh Menoufia cho biết tuy 8 người nói trên không có triệu chứng nhiễm bệnh, song vẫn phải giám sát y tế trong vòng 21 ngày theo quy định phòng dịch.

 

Theo số liệu thống kê chính thức của WHO, tính đến hết ngày 6/8 đã 932 người tử vong do virus Ebola và 1.711 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó chủ yếu là tại Guinea, Liberia và Sierra Leone. Hiện Guinea là nơi có tỷ lệ tử vong cao nhất, với 495 người nhiễm bệnh và 363 trường hợp tử vong kể từ khi dịch bệnh Ebola bùng phát hồi đầu năm nay.

 

TTXVN/ Tin Tức

Xác nạn nhân Ebola bị quẳng ra đường
Xác nạn nhân Ebola bị quẳng ra đường

Trong bối cảnh bóng ma chết chóc của đại dịch Ebola đang lan tràn khắp Tây Phi, nhiều người dân vì quá sợ hãi và thiếu hiểu biết đã mang thi thể người thân nhiễm loại virus chết người này quẳng ra đường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN