Năm nào cũng thế, cứ vào đầu tháng 8 âm lịch trở đi là bầy gà ta của nội bỗng “xôm tụ” hẳn lên, bởi trong thời điểm này bầy gà con được nội “nhân” ra gấp nhiều lần so với những tháng khác trong năm, để chuẩn bị cho cái Tết sắp tới, vừa làm gà lễ, gà ăn nhất là làm “quà quê” để biếu cho người thân, bà con họ hàng, con cháu… đang sống ở thành phố trong mỗi dịp Tết đến xuân về.
Gà ta từ lâu đã từng là một loại đặc sản “cây nhà lá vườn”, một loại thực phẩm sạch của các vùng quê trên khắp đất nước Việt Nam, gà quê luôn là một sản phẩm có thể biết được chính xác nguồn gốc, xuất xứ làm cho người sử dụng được an tâm hơn.
Những con gà ta nuôi ở quê thường được thả rông trong vườn, trên đồi cỏ … để chúng có thể tự do “rong chơi” và tung tăng vận động làm cho thịt săn chắc, hơn nữa ở quê người ta không cho gà ăn các loại thực phẩm công nghiệp mà thường cho ăn lúa gạo, bắp, mì, rau, chuối …, cộng với những phế phẩm nông nghiệp luôn dồi dào sẵn có ở quê làm thức ăn rất dễ hấp thụ cho gà, lại thêm vườn tược rộng rãi, nhiều cây cối tạo bóng râm và không khí thoáng mát, đàn gà có thể đi lại đào bới tìm kiếm thức ăn có sẵn trong đất vốn rất giàu dinh dưỡng giúp gà mau lớn, lại thơm và ngọt thịt, các thớ thịt dai và chắc.
Theo xu hướng cũng như nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay, gà ta không những ngon ngọt thịt mà lại có một giá trị nhất định trong an toàn thực phẩm, khiến nhiều người tiêu dùng rất ưa chuộng, cũng vì thế thời gian gần đây gà ta đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nhiều gia đình vùng nông thôn, chăn nuôi gà thả vườn để cải thiện kinh tế gia đình bằng cách nuôi theo mô hình kết hợp vừa chuồng trại vừa thả vườn để có thể nuôi với số lượng lớn và qui mô hơn. Áp dụng khoa học kỹ thuật, máy ấp trứng ra đời có nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn nuôi gà với số lượng lớn mỗi đợt xuất chuồng lên đến vài nghìn con.
Ở những vùng thôn quê những phụ nữ lớn tuổi không còn sức lực để ra đồng làm việc có thể ở nhà nuôi thêm con gà con qué, mặc dầu chỉ nuôi nhỏ lẻ không nhiều lắm, nhưng vừa trông nhà trông cháu lại kiếm thêm thu nhập cũng “kha khá” từ những con gà thịt, từ những quả trứng gà ta đầy bổ dưỡng hiện đang được nhiều người tìm mua với giá bán khá cao. Nuôi gà ta chẳng những có việc để làm lại có thu nhập mà còn là một công việc tạo nhiều niềm vui và lạc quan cho các bà các mẹ khi tuổi đã xế chiều …
Ở nông thôn hầu như nhà nào cũng có nuôi gà vừa để lấy thịt vừa để lấy trứng, cũng là một hướng sản xuất rất hiệu quả, nuôi gà tuy đơn giản nhưng phải là người chịu khó, cần cù thì mới thành công. Bầy gà của nội nhờ biết chọn giống tốt cộng với đặc điểm dễ chăm sóc, lại đầu tư ít vốn vì cho ăn những thức ăn do chính gia đình chế biến như: cây khoai môn, chuối cây, đu đủ, khoai lang… nấu chín với cám bắp cám gạo nên bầy gà của nội “cực” nhanh lớn và đạt hiệu quả cao, cứ mỗi ngày qua đi là có sự thay đổi về tăng trọng và hình thể, và “thích” nhất là mấy chục “mạ” gà của nội đẻ “không kịp” để cung cấp trứng gà giống cho bà con tại địa phương.
Ngoài việc bảo đảm nghiêm ngặt môi trường vệ sinh, nguồn thức ăn sạch, thực hiện tốt chế độ chăm sóc nuôi dưỡng cũng như quy trình vệ sinh thú y, thì việc tiêm phòng dịch cho gà cũng được bố và nội quan tâm nên tránh được các loại dịch bệnh. Bầy gà mái đẻ của nội cứ “trình tự” vào mỗi buổi sáng lại cất tiếng “cục ta cục tác” ngày càng “rôm rả”, đàn gà con vẫn hay ăn chóng lớn và bán được giá cao.
Mỹ Nhân