Chính trường Ukraine đã rơi vào tình trạng bất ổn do quyền Thủ tướng nước này Arseny Yatsenyuk từ chức sau khi liên minh cầm quyền sụp đổ. Sự việc này khiến tình hình Ukraine thêm phức tạp trong bối cảnh Kiev đang đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở miền đông và giải quyết hậu quả vụ máy bay MH17 của Malaysia bị bắn rơi.
Từ chức để trốn trách nhiệm?
Quyền Thủ tướng Yatsenyuk ngày 24/7 (giờ Ukraine) đã đột ngột tuyên bố trước quốc hội rằng: “Liên quan đến việc liên minh cầm quyền tan rã và một số dự luật quan trọng không được thông qua, tôi thông báo từ chức. Đây là một quyết định khó khăn và một thời điểm khó khăn, không chỉ cho cá nhân tôi mà còn cho cả đất nước”.
Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk (phải) trong một phiên họp quốc hội. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ông Yatsenyuk cũng nhấn mạnh, tan rã liên minh cầm quyền và thiếu tiền ngân sách là không thể chấp nhận được. Trong trường hợp đó, có hai giải pháp là thủ tướng thành lập liên minh mới hoặc từ chức và ông đã chọn cách từ chức.
Sau khi liên minh cầm quyền Ukraine sụp đổ, quốc hội Ukraine dự kiến họp khẩn. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko có quyền kêu gọi bầu cử sớm trong vòng 30 ngày và bỏ phiếu tín nhiệm nội các. Nội các Ukraine ngày 25/7 đã bầu Phó Thủ tướng tạm quyền Vladimir Groysman giữ chức quyền thủ tướng. Việc ông Yatsenyuk từ chức có nghĩa là toàn bộ chính phủ sẽ phải từ chức theo, nhưng sẽ tiếp tục hoạt động cho đến khi liên minh mới được thành lập.
Diễn biến mới trên chính trường Ukraine đã khiến Chủ tịch Ủy ban An ninh thuộc Duma Quốc gia Nga, bà Irina Yarovaya, cho rằng quyền Thủ tướng Yatsenyuk đang tìm cách trốn tránh trách nhiệm. Phát biểu với hãng tin Itar - Tass ngày 24/7, bà Irina nói: “Chúng tôi có thể nói chắc chắn rằng hành động này là một ý đồ tránh trách nhiệm về những rắc rối và tai họa mà họ mang đến cho người dân Ukraine, về những tội ác mà chính quyền phạm phải”.
Quyền Thủ tướng Yatsenyuk từ chức trong bối cảnh miền đông Ukraine vẫn ngổn ngang trong chiến sự giữa phe ly khai với lực lượng chính phủ và vụ máy bay MH17 bị bắn rơi mới bước vào giai đoạn điều tra ban đầu.
Mặc dù cả phe ly khai và chính phủ Ukraine đều tuyên bố lệnh ngừng bắn ở quanh khu vực máy bay MH17 rơi, nhưng đạn pháo vẫn dội vào khu vực này với mật độ dày đặc, trong đó có cả khu vực quanh Donetsk, chỉ cách hiện trường máy bay rơi 60 km.
Mỹ lại cáo buộc Nga không bằng chứng
Liên quan đến tình hình Ukraine, giới chức Mỹ ngày 24/7 đã cáo buộc Nga nã pháo qua biên giới vào lãnh thổ Ukraine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf tuyên bố: “Chúng tôi có bằng chứng mới cho thấy Nga định chuyển bệ phóng tên lửa mạnh hơn cho phe ly khai ở Ukraine và có bằng chứng rằng Nga đang bắn pháo sang để tấn công các vị trí quân sự Ukraine”.
Tuy nhiên, khi được hỏi về bằng chứng của cáo buộc này, bà Marie Harf không sẵn lòng tiết lộ với lý do sợ làm lộ các hoạt động tình báo mật.
Đây không phải lần đầu Mỹ cáo buộc Nga mà không đưa ra bằng chứng. Trước đó, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power đã cáo buộc Nga hỗ trợ kỹ thuật cho phe ly khai Ukraine. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ không cung cấp bằng chứng. Gần đây, tình báo Mỹ phải thừa nhận không có bằng chứng cho thấy Nga dính líu trực tiếp đến vụ bắn rơi MH17.
Trong một diễn biến khác, hãng tin UNIAN của Ukraine ngày 25/7 dẫn lời cựu Giám đốc Cơ quan tình báo đối ngoại nước này, ông Nikolai Malomuzh, cho biết Mỹ có thể sớm trao cho Ukraine qui chế đồng minh đặc biệt không phải thành viên NATO, qua đó cho phép Washington cung cấp khí tài quân sự cho Kiev.
Ông Malomuzh nói rằng cả Thượng và Hạ viện Mỹ đều ủng hộ ý tưởng trên, và có thể đưa ra quyết định trong vài ngày tới. Qui chế trên sẽ giúp Ukraine nhận được thêm tài trợ của Mỹ để mua và thuê vũ khí cũng như khí tài trong thời gian chiến tranh. Ukraine cũng có thể tham gia một số hợp đồng của Mỹ mua các hệ thống vũ khí nhất định.
Trước đó, Tổng thống Poroshenko cho rằng các vấn đề an ninh của Ukraine có thể giải quyết nếu Quốc hội Mỹ trao cho Ukraine qui chế đồng minh đặc biệt ngoài NATO.
Thùy Dương