Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng 27/9, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 10, có tên là WUTIP- tên do Macao đề cử, có nghĩa là con bướm. Hồi 16 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 115,8 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km/giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ vĩ bắc; 114,0 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa tây tây nam và tây nam, di chuyển chậm lại mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 29/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ vĩ bắc; 112,6 độ kinh đông, trên khu vực phía nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km/giờ), giật cấp 12, cấp 13.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió tây nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.
Từ ngày 11/9 đến ngày 24/9, ở trung, hạ lưu sông Mê Kông đã có mưa to đến rất to; tổng lượng mưa đo được phổ biến từ 100-300 mm, có nơi trên 700 mm như tại Sa Ra Van (Lào): 866 mm, Pắk Sế (Lào): 810 mm, Không Sê Đông (Lào): 721 mm. Do mưa lớn, ở trung hạ lưu sông Mê Kông đã xuất hiện một đợt lũ khá lớn với biên độ lũ lên tại các trạm chính phổ biến từ 3,5-6 m, tại các trạm hạ lưu là 1,8-2 m. Lũ đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh. Mực nước sáng 27/9, trên sông Tiền tại trạm Tân Châu: 3,75 m (trên BĐ1: 0,25 m), trên sông Hậu tại Châu Đốc: 3,03 m (trên BĐ1: 0,03 m).
Trong những ngày tới, do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên. Đến ngày 1/10, mực nước cao nhất ngày trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng lên mức 4,0 m (ở mức BĐ2); trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 3,2 m (trên BĐ1: 0,2m). Sang những ngày đầu tháng 10, lũ sông Mê Kông và Cửu Long còn tiếp tục lên nếu cơn bão số 10 đổ bộ vào miền Trung sau đó di chuyển gây mưa to ở Lào.
BMT