Báo động tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan tại Cà Mau

Tỉnh Cà Mau hiện có 180.000 giếng nước ngầm, trong đó 40.000 giếng nước đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đáng chú ý, trong số giếng nước bị ô nhiễm trên có 2/3 giếng nước ngầm khoan lậu. Thực trạng trên dẫn tới hệ lụy là nguồn nước ngầm bị sử dụng một cách bừa bãi, có nguy cơ cạn kiệt, đồng thời gây ô nhiễm môi trường.


Do chưa có cơ chế, phân cấp quản lý cụ thể nguồn nước ngầm nên tình trạng khai thác nước ngầm tại tỉnh Cà Mau diễn ra phức tạp. Theo quy định, người dân muốn khoan giếng nước ngầm phải xin phép và được sự đồng ý của chính quyền địa phương mới được tiến hành, nhưng thực tế rất ít trường hợp xin phép vì người dân biết chắc có xin phép cũng không được xét vì hiện nay chủ trương là hạn chế khoan giếng nước ngầm. Để qua mắt chính quyền, người dân thường tổ chức khoan giếng nước ngầm vào ban đêm. Chi phí khoan 1 giếng nước ngầm khá rẻ, từ 1,8 - 2 triệu đồng là có một giếng nước cho gia đình sử dụng.


Tuy nhiên, ở Cà Mau cũng có một số vùng không thể khai thác nước ngầm vì không có nước. Tuyến kênh 29 thuộc rừng tràm U Minh Hạ người dân đã thử khoan độ sâu hơn 200 m nhưng vẫn không có nước. Có điều nghịch lý là dù số lượng giếng nước ngầm nhiều như vậy nhưng hiện còn tới 20% hộ dân nông thôn ở tỉnh Cà Mau không có nước sạch để dùng, đặc biệt với những hộ dân xây nhà ở những nơi xa khu dân cư.


Trước tình hình trên, chính quyền địa phương cần đẩy nhanh chương trình nước sạch nông thôn, phấn đấu đến năm 2015 bảo đảm 100% hộ dân nông thôn đủ nước sạch để sử dụng. Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm giúp người dân hiểu được tác hại của tình trạng khai thác giếng nước ngầm tràn lan, cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp xử lý những giếng khoan đã bị ô nhiễm.


Trần Thành Nên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN