Tâm lý thận trọng bao trùm đã khiến giá vàng biến động trái chiều trên các thị trường trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng năm (ngày 1/5), giảm ở châu Á trong khi tăng tại châu Âu và Mỹ. Hoạt động giao dịch cũng hết sức trầm lắng do hầu hết các thị trường đều đóng cửa nghỉ lễ. Nhà đầu tư có tâm lý chờ đợi xem liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED, Ngân hàng trung ương nước này) có tiếp tục thực hiện chương trình kích thích kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng hay không.
Ngoài ra, thị trường còn bị “giằng xé” giữa kỳ vọng rằng FED sẽ duy trì chính sách nới lỏng hiện hành với việc các dòng vốn vẫn đều đặn chảy ra mỗi ngày từ các quỹ trao đổi hàng hóa.
Trước đó, SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, cho hay lượng vàng quỹ nắm giữ tính đến ngày 30/4 đã giảm 0,19% xuống 1.078,54 tấn - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2009.
Xu hướng “chảy máu” tại các quỹ ETF tiếp tục gây sức ép lên giá vàng trong phiên 2/5, phiên mở cửa trở lại sau 3 ngày nghỉ lễ. Phiên này, thị trường đón nhận thông tin từ FED (sau cuộc họp mới nhất kéo dài hai ngày) cho biết sẽ tiếp tục chương trình nới lỏng tiền tệ hiện nay, nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế (do tỷ lệ thất nghiệp vẫn đang ở mức cao).
Tuy nhiên, thị trường vàng lại dường như phớt lờ thông tin mang tính hỗ trợ này khi tiếp tục được giao dịch ở mức giá thấp. Việc "thoái" vàng ở các quỹ ETF tiếp tục ám ảnh thị trường vàng, nhất là khi SPDR Gold Trust cho hay lượng vàng quỹ nắm giữ tính đến ngày 1/5 giảm tiếp 0,31% xuống 1.075,23 tấn - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2009.
Sang phiên cuối tuần ngày 3/5, kim loại quý đã "sáng" trở lại nhờ quyết định hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục (0,5%) của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và trước đó là quyết định duy trì chương trình mua trái phiếu để thúc đẩy tăng trưởng của FED. Trước đó, chỉ trong vài ngày (từ 12 đến 16/4), giá vàng đã "bốc hơi" 225 USD/ounce, do thị trường sợ rằng FED có thể rút lại kế hoạch kích thích tiền tệ của họ.
Tuy nhiên, giá vàng vào lúc đóng cửa phiên 3/5 chỉ còn tăng nhẹ sau khi thị trường tiếp nhận thông tin từ Bộ Lao Động Mỹ cho biết, trong tháng tư, lĩnh vực phi nông nghiệp Mỹ đã tạo được thêm 165.000 việc làm, tăng hơn nhiều so với dự kiến của giới chuyên gia, đưa tỷ lệ thất nghiệp trong tháng tư giảm xuống còn 7,5% - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2008. Thông tin tích cực này khiến giới đầu tư lo ngại điều kiện để FED tiếp tục theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ - nhân tố hậu thuẫn cho giá vàng - giảm đi, khiến kim loại quý về cuối phiên để mất sức tăng mạnh trước đó.
Một nguyên nhân nữa khiến sức tăng của giá vàng bị hạn chế là do quỹ SPDR Gold Trust vẫn tiếp tục bán vàng ra trong phiên này, khi cho hay lượng vàng quỹ nắm giữ tính đến ngày 2/5 giảm tiếp 0,6% xuống 1.069,22 tấn - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2009. Trước đó, chỉ trong vòng 1 tháng (từ cuối tháng ba đến cuối tháng 4/2013), lượng vàng do quỹ này nắm giữ cũng đã “bốc hơi” gần 143 tấn, với giá trị tương ứng 6,6 tỷ USD.
Đóng cửa phiên cuối tuần, tại New York, giá vàng giao ngay nhích nhẹ 16 xu lên chốt ở mức 1.466,40 USD/ounce, mặc dù trước đó, đã có lúc trong phiên tăng được 1,5% lên 1.487,80 USD/ounce - mức cao nhất trong hai tuần qua. Tính chung cả tuần, giá vàng tăng được 0,3%, kéo dài đà tăng sang tuần thứ hai liên tiếp, song mức tăng đã chậm lại so với mức tăng trên 4% của tuần trước nữa. Tại thị trường London, giá vàng chốt tuần ở mức 1.469,25 USD/ounce, giảm nhẹ so với mức 1.471,50 USD/ounce của cuối tuần trước nữa.
Theo nhà môi giới về hàng hóa Matthew Schilling tại công ty môi giới thị trường tương lai RJ O'Brien, nếu thị trường việc làm tiếp tục tốt lên thì giá vàng sẽ còn tiếp tục rơi mạnh hơn.
Thùy Chi (Tổng hợp)