Khắc ghi quá khứ hào hùng
Việt Bắc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nơi đây không chỉ có núi rừng hùng vĩ mà có đồng bào các dân tộc giàu truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất chống giặt ngoại xâm và khát khao được sống trong tự do, độc lập. Trong thời kỳ chuẩn bị Cách mạng tháng Tám năm 1945, Việt Bắc là căn cứ địa cách mạng ra đời sớm nhất cả nước; trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), mảnh đất hội tụ những điều kiện về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” này một lần nữa được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn để xây dựng căn cứ địa kháng chiến. Nằm sâu trong lòng căn cứ địa, Bắc Kạn là một trong những địa phương được chọn làm nơi đứng chân an toàn cho các cơ quan Trung ương để lãnh đạo kháng chiến, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi hoàn toàn. Sự kiện giải phóng Bắc Kạn - thị xã đầu tiên của cả nước là bước ngoặt mở đầu cho những thắng lợi lớn tiếp theo của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Giá trị lịch sử của sự kiện giải phóng Bắc Kạn đã được làm rõ tại hội thảo khoa học với chủ đề “Dấu ấn tự hào - 70 năm ngày giải phóng tỉnh Bắc Kạn” tổ chức vào những ngày cuối tháng 8 vừa qua.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử và các nhà khoa học đã đóng góp 11 tham luận và nhiều ý kiến về sự kiện lịch sử này. Các tham luận và ý kiến phát biểu đã phản ánh khá toàn diện các vấn đề liên quan đến giải phóng tỉnh Bắc Kạn, trong đó, tập trung phân tích làm sáng tỏ, đầy đủ hơn một số nội dung cơ bản: Khẳng định và làm rõ thêm sự lãnh đạo sáng suốt, chỉ đạo tài tình của Trung ương Đảng, Bộ Tổng tư lệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Liên khu I và Tỉnh ủy Bắc Kạn đối với chiến trường Bắc Kạn. Đây là nhân tố quyết định để quân, dân ta mở các cuộc tiến công liên tiếp đánh bại mưu chiến lược của thực dân Pháp và giành được thắng lợi quan trọng.
Đặc biệt tại hội thảo lần này đã làm rõ vai trò của Trung đoàn 72 trong chiến thắng lịch sử. Có thể nói vai trò của quân và dân Bắc Kạn gắn liền với Trung đoàn 72 hoạt động tại tỉnh, của đồng bào các dân tộc, các mặt trận diễn ra chiến dịch trên địa bàn Việt Bắc và sự phối hợp của lực lượng vũ trang các chiến trường trong cả nước, tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc rộng khắp.
Thượng tá Nguyễn Quân, nguyên cán bộ Ban Hậu cần Trung đoàn 72 bồi hồi nhớ lại và tâm sự trung đoàn 72 là một trong 3 trung đoàn của chiến khu I, thành lập ngày 22/5/1946. Vũ khí thô sơ, thiếu thốn, khoảng 50% quân số dùng mã tấu và lựu đạn, súng ống cũng không cùng chủng loại. Cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn là những đồng chí đã tham gia cách mạng trước năm 1945, là đội viên các đội cứu quốc quân và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. rung đoàn 72 chỉ có ba năm lịch sử (1946 đến 1949) thì hai năm chiến đấu tại chiến trường Bắc Kạn, trong đó, có những trận đánh bước ngoặt, như: công đồn Phủ Thông vào đêm 25-7-1948, trận đánh công kiên quy mô cấp tiểu đoàn đầu tiên của quân đội ta; trận truy kích quân Pháp rút chạy tại Bằng Khẩu (Ngân Sơn)…
Những câu chuyện về một thời hoa lửa lần lượt được tái hiện như những thước phim quay chậm thông qua lời kể của các nhân chứng trong trận chiến, lời tường thuật của các nhà khoa học. Giá trị của sự kiện lịch sử giải phóng Bắc Kạn – giải phóng thị xã đầu tiên của nước thêm một lần được làm rõ hơn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; nâng cao tinh thần yêu nước và lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
50 năm nỗ lực thực hiện lời dạy của Người
Nửa thế kỷ Bác đi xa, nhưng tất cả nội dung trong Di chúc của Người vẫn mãi là kim chỉ nam, luôn đồng hành với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn mãi khắc ghi lời căn dặn của Người. Trong suốt các thời kỳ cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn luôn thủy chung son sắt một lòng theo Đảng, theo cách mạng, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn thử thách để đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp giành độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Bắc Kạn đã có 9.021 thanh niên xung phong ra mặt trận. Trong chiến đấu, nhiều người đã lập công xuất sắc, nhiều cán bộ, chiến sĩ được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước ta đã tuyên dương danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho 3 cá nhân là các đồng chí: Nguyễn Văn Tấn, Hà Văn Vấn và liệt sĩ Nguyễn Văn Thoát; hơn 2.000 con em đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã anh dũng hy sinh để góp phần giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước.
Khi đất nước hòa bình, thống nhất, nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương. Đặc biệt, từ khi tái lập tỉnh (1997), được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã lãnh đạo nhân dân phát huy truyền thống quê hương căn cứ địa cách mạng, đoàn kết nhất trí, vượt qua mọi khó khăn thách thức, lao động cần cù, sáng tạo, nỗ lực vươn lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng- an ninh.
Luôn khắc khi học tập, làm theo Bác, vừa qua tỉnh ủy Bắc Kạn đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong 3 năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều cách làm hay, như: tổ chức đợt sinh hoạt chính trị “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa” trên phạm vi toàn tỉnh. Qua sinh hoạt đã nhận diên được một số biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; các loại bệnh của chủ nghĩa cá nhân, trong đó đã chỉ ra và tập trung phê phán một số bệnh khá phổ biến trong một số tổ chức đảng hiện nay. Đợt sinh hoạt này được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Ngoài ra tỉnh Bắc Kạn còn chỉ đạo, hướng dẫn các chi, đảng bộ, cơ quan, đơn vị triển khai rà soát, xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, công vụ; tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm; nhân rộng điển hình tiên tiến; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tích cực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tăng cường kiểm tra, giám sát. Nhờ những cách làm cụ thể, tỉnh giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắc, tồn tại kéo dài, như: dự án tái định cư công trình đường và đê bao chống lũ Bắc Sông Cầu, quản lý giống cây trồng ngoài cơ cấu… Từ 2016 đến 2018, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đã hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ gần 14 tỷ đồng giúp các xã khó khăn xây dựng nông thôn mới.
Nhiều điển hình tiên tiến xuất hiện, tạo sức lan tỏa lớn, như: đảng viên Giàng Seo Sính, dân tộc Mông, thôn Vằng Doọc, xã Bình Trung (Chợ Đồn) gương mẫu đi đầu phát triển kinh tế theo hướng dồn điền, đổi thửa, trồng cây giá trị cao, gồm: trà hoa vàng, ba kích, cây ăn quả, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm; giúp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật cho 10 hộ trong thôn từng bước thoát nghèo. Chị Hoàng Thị Dung, Đội trưởng Cảnh sát giao thông TP Bắc Kạn lên ý tưởng, xây dựng mô hình nấu cơm thiện nguyện giúp đỡ bệnh nhân nghèo từ năm 2016 tới nay, mỗi tuần nấu 60 suất, mỗi suất trị giá 30 nghìn đồng. Tập thể chi bộ thôn Nà Chè, xã Cường Lợi (Na Rì) lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cây trồng, vay vốn tín dụng chính sách nên thôn giờ chỉ còn một hộ nghèo; vận động nhân dân đóng góp ngày công, tiền mặt, duy trì vệ sinh hằng tuần giúp thôn đạt đủ 19 tiêu chí nông thôn mới…
Việc học tập và làm theo lời Bác đã trở thành kim chỉ nam trong mọi hoạt động chỉ đạo của tỉnh, việc học tập đã đi vào từng cá nhân, tổ chức, tập thể. Để việc học theo bác trở thành thói quen với mỗi người con dân Bắc Kạn.
Bắc Kạn nỗ lực phát triển
Bắc Kạn là một trong những tỉnh có điều kiện phát triển khó khăn nhất của cả nước. Qua 70 năm giải phóng, đặc biệt là sau 22 năm tái lập tỉnh, diện mạo của Bắc Kạn đã có nhiều đổi thay. Từ một tỉnh kinh tế chậm phát triển, chủ yếu là sản xuất nông lâm nghiệp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, một số phong tục, tập quán lạc hậu vẫn tồn tại trong sinh hoạt cộng đồng, đến nay kinh tế xã hội của tỉnh đã có nhiều bước phát triển mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.
Từ khi mới tái lập, tỉnh Bắc Kạn đã nỗ lực để vượt qua khó khăn, vươn mình để phát triển. Từ chỗ tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm do đặc trưng là kinh tế thuần nông; thu ngân sách thấp, chưa đáp ứng 10% nhu cầu chi toàn tỉnh; cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng thấp kém, nhà cửa, phương tiện làm việc, đi lại thiếu thốn, đường giao thông khó khăn; tỷ lệ đói nghèo chiếm hơn 50% số hộ dân của tỉnh.
Bắc Kan đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tận dụng cơ hội để có những kết quả đáng phấn khởi. Kinh tế của tỉnh có bước chuyển biến theo hướng tích cực: Tổng sản phẩm năm 2018 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 6.641 tỷ đồng. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 1.939 tỷ đồng; công nghiệp xây dựng đạt 1.038 tỷ đồng, dịch vụ đạt 3.446 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách đạt 643 tỷ đồng tăng 42,8 lần so với năm 1997. Tổng sản phẩm (theo giá hiện hành) đạt 9.962 tỷ đồng, tăng gấp 23 lần so với 1997. Ngành nông, lâm nghiệp hiện nay có tốc độ tăng trưởng cao. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 170 nghìn tấn; lương thực bình quân đạt 553 kg/người/năm; tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 72%, cao nhất cả nước. Nếu như khi tái lập tỉnh, tỉ lệ hộ nghèo còn chiếm trên 50% thì đến nay theo chuẩn nghèo mới toàn tỉnh chỉ còn hơn 21%.
Để đánh dấu một chặng đường phát triển, vượt qua bao gian khó, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng tỉnh Bắc Kạn (24/8/1949 – 24/8/2019). Đặc biệt vinh dự khi tới dự lễ kỷ niệm có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc- Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam; đồng chí Nông Đức Mạnh- nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Phạm Gia Khiêm- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
Tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng tỉnh Bắc Kạn cần tập trung cơ cấu lại kinh tế giữa các ngành và nội ngành theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao; khai thác tiềm năng phát triển công nghiệp; phát triển mạnh dịch vụ, du lịch, nhất là du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái, đặc biệt là danh thắng hồ Ba Bể. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế; đưa các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo vào cuộc sống. Đẩy mạnh cải cách hành chính nhất là thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, rà soát, kiện toàn bộ máy bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, xã hội. Tập trung xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng.
Một trong ‘những mục tiêu quan trọng trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đó là “Xây dựng Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực”. Với truyền thống cách mạng, niềm tự hào, tự tôn dân tộc đó sẽ thôi thúc toàn bộ cán bộ, đảng viên, nhân dân Bắc Kạn chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Xứng đáng là quê hương của căn cứ địa cách mạng, kháng chiến của cả nước.