“Bà đỡ” đối với nền kinh tế

Một trong những xu hướng phát triển hiện nay của các hợp tác xã nông nghiệp ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên là đa dạng hóa các ngành nghề phù hợp với nhu cầu thị trường để tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho xã viên.

 

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên hiện có khoảng hơn 3.000 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp bao gồm nông, lâm, thủy sản và diêm nghiệp. Các HTX này trước đây chỉ hoạt động cung cấp vật tư nhiên liệu đầu vào cho bà con xã viên, nay đã mở rộng sang sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp, nhận gia công hàng may mặc cho các công ty, làm gạch gói, làm dịch vụ điện nông thôn, nước uống đóng chai, giết mổ tập trung…


Nâng cao đời sống người lao động


HTX dịch vụ nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đại Hiệp (xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) từ khi chuyển đổi hoạt động sang mô hình HTX kiểu mới đã chủ động mở thêm lĩnh vực sản xuất làm gạch tuylen với sản lượng khoảng 15 triệu viên/năm, mua trực tiếp điện của công ty điện lực sau đó đứng ra phân phối bán lẻ cho người dân trong vùng và nhận gia công hàng may mặc cho các công ty. Ông Phạm Thành Sự, Chủ nhiệm HTX cho biết: Doanh thu của HTX năm 2013 đạt 19 tỷ đồng. Việc mở rộng lĩnh vực hoạt động đạt hiệu quả đã giúp nâng cao đời sống cho hơn 2.100 xã viên, với thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/người/năm, qua đó góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

 

Vận chuyển rau giống đi trồng tại hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ rau sạch và dịch vụ nông nghiệp Mỹ Hưng (xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).


Nhằm giúp các HTX nông nghiệp phát triển các ngành nghề mới phù hợp với nhu cầu của thị trường, Trung tâm hỗ trợ phát triển HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề ngắn hạn tại các tỉnh. Năm 2013, trung tâm đã phối hợp với Liên minh HTX các tỉnh tổ chức 14 khóa đào tạo nghề miễn phí cho gần 500 xã viên các HTX. Các ngành nghề đào tạo gồm sản xuất hàng mây tre đan, đá mỹ nghệ, dệt chiếu cói, đan lưới cụ, may công nghiệp và mộc dân dụng. Ông Lê Nguyễn Đức Thắng, Quyền Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho biết: “Các giảng viên đều là những nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm, truyền đạt theo phương pháp cầm tay chỉ việc nên sau khi kết thúc các khóa đào tạo số lượng học viên phát huy tốt kiến thức đạt tỷ lệ cao. Chính sự hỗ trợ thiết thực này giúp các HTX mở ra được hướng kinh doanh mới”.

Tạo điều kiện để Liên minh HTX hoạt động

Liên minh HTX cần phối hợp tốt hơn nữa với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, Luật HTX. Tích cực tham gia các hoạt động do Mặt trận phát động. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ cho các HTX, thành viên; gắn bó mật thiết với cơ sở kinh tế hợp tác, HTX; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các HTX, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho Liên minh HTX hoạt động. Mặt trận sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Liên minh HTX Việt Nam trong các hoạt động chung của Mặt trận. Với nỗ lực, quyết tâm cao của các cơ sở kinh tế hợp tác, HTX, Liên hiệp HTX và sự tư vấn, hỗ trợ của Liên minh HTX các cấp, khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX sẽ có bước phát triển mới, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

 

Vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới

Để đạt được các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, Liên minh HTX các tỉnh cần khẳng định vai trò của mình, chú trọng đến phát triển mô hình kinh tế hộ, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp. Phát triển kinh tế tập thể đa dạng, phù hợp với mong muốn và nguyện vọng của người dân. Đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5. Có chính sách hỗ trợ phát triển HTX tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới. Tổng kết và nhân rộng mô hình HTX điển hình tiên tiến phù hợp với từng ngành, nghề, lĩnh vực và địa bàn dân cư.

Ông Nguyễn Đắc Thắng, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

 

Phối hợp tốt

Bên cạnh việc trồng rau sạch, HTX dịch vụ nông nghiệp 19/5 Mộc Châu (Sơn La) còn liên hệ với các đối tác, phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật Việt Nam, tổ chức Asodia, Trường Nông nghiệp Montauban (Cộng hòa Pháp) trồng thử nghiệm các loại cây ăn quả ôn đới trên đất Mộc Châu. Áp dụng các kỹ thuật đốn tỉa cải tạo và tổ chức tập huấn cho hàng trăm hộ nông dân trong vùng trồng mận hậu, chọn và tạo giống bằng phương pháp ghép mắt cho cây mận hậu nhằm nâng cao chất lượng quả, kéo dài tuổi thọ của cây, chọn gốc gép chuẩn bằng cây bản địa để nhân giống mận hậu, đảm bảo cây khỏe, hạn chế bị sâu đục thân.

Ông Mai Đức Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị
HTX dịch vụ nông nghiệp 19/5 Mộc Châu


Nhiều tỉnh thành cũng đã thành lập được quỹ hỗ trợ phát triển HTX như Hà Tĩnh, Quảng Trị, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Quảng Nam, Đà Nẵng. Tại tỉnh Quảng Nam quỹ này có nguồn vốn khá lớn khoảng 19 tỷ đồng qua đó đã giải quyết cho hàng chục dự án đầu tư mở rộng sản xuất của các HTX. Liên minh HTX các tỉnh cũng đã tư vấn cho các đơn vị thành viên lập các dự án vay vốn từ các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội, nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm, quỹ hỗ trợ phát triển HTX trung ương. Liên minh HTX các tỉnh còn chú trọng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ để triển khai các mô hình sản xuất sạch theo hướng hàng hóa như quy trình sản xuất VietGAP đối với rau, lúa, nuôi trồng thủy sản. Đồng thời phối hợp với Sở Công Thương giúp các HTX tham gia hội chợ nhằm giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội liên doanh liên kết, mở rộng thị trường.


Cầu nối hiệu quả


Vấn đề liên kết giữa HTX với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm đang bước đầu được hình thành trong khu vực. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc liên kết này là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường và điều này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai phía. Tuy nhiên, để sự liên kết này phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu thì tổ chức liên minh HTX các tỉnh cần phát huy tốt vai trò là cầu nối để đưa HTX và doanh nghiệp đến gần nhau hơn. Ông Lê Đức Duy, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên đầu tư phát triển kinh tế hợp tác miền Trung - Tây Nguyên đề xuất: nên thực hiện liên kết theo hai phương thức, thứ nhất Liên minh HTX các tỉnh thành lập các đơn vị kinh tế trực thuộc để tiến hành hợp tác với các doanh nghiệp; thứ hai Liên minh HTX chủ động giới thiệu các mô hình HTX mạnh cho các doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội liên kết.

Năm 2014, công ty sẽ thực hiện thí điểm liên kết với các HTX mạnh để triển khai thu mua tiêu thụ sản phẩm nông sản như lúa, ngô, cà phê, hồ tiêu, các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp… Đồng thời thông qua đầu mối các HTX để cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào đảm bảo chất lượng cho xã viên. Ông Nguyễn Thanh Tài, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam cho rằng: Cần thiết tạo ra mô hình liên kết ngay giữa các HTX trong tỉnh hoặc liên tỉnh đối với những sản phẩm, dịch vụ cùng loại để tạo ra các điểm nhấn kinh tế tập thể mạnh qua đó liên kết với doanh nghiệp


Nhìn chung, hiện nay các HTX nông nghiệp trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên đang dần hồi phục và phát triển theo hướng đúng bản chất của mình. Các HTX đang ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò là “bà đỡ” đối với kinh tế hộ, đồng thời chủ động mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh để không ngừng tăng cường thực lực kinh tế và khả năng cạnh tranh trên thị trường.


Bài và ảnh:Đỗ Trưởng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN