Chính
phủ Argentina ngày 20/10 quy trách nhiệm cho chính phủ Ghana về tình
trạng chiếc tầu chiến Libertad tiếp tục bị bắt giữ tại nước này, đồng
thời cho biết sẽ đưa vấn đề này lên Liên hợp quốc, vì việc bắt giữ là
bất hợp pháp và vi phạm luật quốc tế.
Trong
một thông cáo, Bộ ngoại giao Argentina cho biết Tổng thống Cristina
Fernández đã ra lệnh sơ tán “ngay lập tức” phần lớn đoàn thủy thủ trên
tàu để bảo toàn “sự toàn vẹn thân thể và phẩm giá” của họ.
Thông
cáo báo chí tố cáo thẩm phán ra lệnh bắt tầu đã ra lệnh cấm cung cấp
nhiên liệu cho tầu. Điều này sẽ không cho phép máy phát điện hoạt động
và vì vậy sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của đoàn thủy thủ, và đặc
biệt là vô hiệu hóa hệ thống cứu hỏa và hệ thống bơm thoát nước nếu tầu
bị nước tràn vào.
Tầu chiến Libertad. Ảnh: Internet |
Argentina
sẽ chỉ để lại một lượng nhân viên tối thiểu để vận hành tầu, đồng thời
quy trách nhiệm cho chính phủ Ghana về những hỏng hóc trên tàu trong
thời gian bị bắt giữ.
Tổng
thống Cristina Fernández đã chỉ thị cho Ngoại trưởng Héctor Timerman
“ngay lập tức” đi New York để trình bày vụ việc với Chủ tịch Hội đồng
bảo an cũng như các ủy ban liên quan tới quyền con người, các hiệp ước
quốc tế cũng như tội phạm tài chính của Liên hợp quốc.
Theo
chính phủ Argentina, Nhà nước Ghana phải chịu trách nhiệm trước quốc tế
về hoạt động của tất cả các cơ quan quyền lực nhà nước, kể cả cơ quan
quyền lực tư pháp.
Chiếc
tầu buồm Libertad- tầu huấn luyện và là biểu tượng của Hải quân
Argentina- bị bắt giữ từ ngày 2/10 tại cảng Tema của Ghana theo lệnh của
thẩm phán nước này Richard Adjei Frimpong, sau khi NML Capital Ltd -có
trụ sở tại Anh- kiện chính phủ Argentina vẫn chưa thanh toán trái phiếu
mà công ty đã mua trước khi Buenos Aires tuyên bố vỡ nợ năm 2001.
Trên
tàu có 326 người, trong đó có 15 học viên Chile, 8 học viên Uruguay và
khách mời đến từ Venezuela, Paraguay, Nam Phi, Bolivia, Brazil và Peru.
Theo
Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982, tầu chiến được quy
chế miễn trừ chủ quyền và vì vậy không bị khám xét hoặc bắt giữ để xiết
nợ. Theo luật sư của NML Capital, Argentina đã từ bỏ quyền miễn trừ khi
phát hành trái phiếu trên. Tuy nhiên, Buenos Aires đã bác bỏ điều này.
Quang Sơn