APEC 2017: Thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc

Năm APEC 2017 là trọng tâm của đối ngoại Việt Nam giai đoạn hiện nay. Đây là vinh dự lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, thể hiện sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế và khu vực đối với vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Bên lề Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp APEC (SOM2) và các cuộc họp liên quan, Chủ tịch Hội nghị các quan chức cao cấp APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc trao đổi với báo chí về vai trò của APEC đối với Việt Nam nói riêng và với khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung, một số nội dung trọng tâm của Hội nghị SOM2.


Phóng viên: Ông đánh giá thế nào vai trò của APEC đối với quá trình phát triển kinh tế -xã hội của Việt Nam cũng như trong khu vực?


Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Trong gần ba thập niên qua, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương được coi là một cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực và trên thế giới, dẫn dắt tiến trình tự do hoá thương mại, đầu tư, thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc. APEC hội tụ hầu hết các nền kinh tế năng động nhất của khu vực, đại diện khoảng 39% dân số thế giới, đóng góp 57% GDP và 47% thương mại toàn cầu. Trong những thập kỷ tới, vai trò của APEC càng không thể thiếu trong cấu trúc khu vực đang định hình, điều phối, gắn kết các cơ chế liên kết khu vực. Cấu trúc đó cần xử lý hiệu quả các thách thức toàn cầu, đáp ứng lợi ích chính đáng của các nền kinh tế trong khu vực đang trong quá trình tái cơ cấu kinh tế. Đây là nền tảng để tạo dựng mối quan hệ “Đối tác châu Á-Thái Bình Dương vì phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ XXI”.


Với Việt Nam, châu Á- Thái Bình Dương là khu vực có tầm quan trọng chiến lược và APEC là diễn đàn quan trọng trong chính sách đối ngoại đa phương của nước ta. Hợp tác APEC trên các lĩnh vực tự do hoá thương mại và đầu tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng, cải cách cơ cấu, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, ứng phó với thiên tai, tăng cường kết nối… đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Việc được các thành viên APEC lựa chọn là chủ nhà Năm APEC 2017 là một vinh dự lớn đối với Việt Nam, thể hiện sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế và khu vực đối với vai trò của Việt Nam ở trên trường quốc tế. 


Việt Nam mong muốn góp phần vào việc xây dựng một tầm nhìn dài hạn về một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hoà bình, ổn định và phát triển năng động. Trong đó, Diễn đàn APEC cùng các cơ chế hợp tác khác và các hiệp định thương mại tự do song phương, nhiều bên đã và đang được hình thành, sẽ bổ trợ cho nhau, cùng phát triển. Một khu vực như vậy sẽ chỉ có được khi các thành viên cùng cam kết với nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện và cùng có lợi, không ngừng cải cách để chủ động hơn trong việc xử lý các thách thức mới của khu vực và toàn cầu.

Đại biểu đại diện các nền kinh tế APEC chụp ảnh chung. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phóng viên: Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM2) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương và các cuộc họp liên quan sẽ triển khai những nội dung gì trong Năm APEC 2017, thưa ông?


Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Hội nghị SOM2 tiếp tục triển khai các nội dung hợp tác APEC từ kết quả đạt được của Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp (SOM1) và các cuộc họp liên quan trên cơ sở các nền kinh tế thành viên APEC đã thống nhất chủ đề và bốn ưu tiên trọng tâm của Năm APEC 2017. Từ tháng 3/2017 đến nay, chủ nhà Việt Nam cùng các nền kinh tế thành viên APEC đã triển khai quá trình cụ thể hóa bốn ưu tiên này thành các văn kiện, tài liệu, dự án, từ đó thúc đẩy hợp tác APEC trong những năm tới. Hội nghị SOM2 có sự tham dự của gần 2.000 đại biểu đại diện 21 nền kinh tế thành viên APEC, Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Ban Thư ký ASEAN, Hội đồng tư vấn doanh nghiệp (ABAC) và một số tổ chức quốc tế, khu vực khác, cùng đại diện giới doanh nghiệp, học giả trong khu vực. Tại Hội nghị SOM2, với 49 cuộc họp, hội thảo, đối thoại, các đại biểu APEC sẽ tham dự và thảo luận những vấn đề thực chất và sẽ triển khai giữa các nền kinh tế thành viên APEC.


Phóng viên: Xin ông cho biết những hoạt động nổi bật bên cạnh Hội nghị SOM2?


Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Ngoài các hội nghị liên quan đến Hội nghị SOM2, chúng ta cũng có Hội nghị các bộ trưởng phụ trách thương mại lần thứ 23 (MRT23). Đây là cuộc họp bộ trưởng thương mại đầu tiên trong Năm APEC 2017. Chủ nhà Việt Nam cũng tổ chức Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai. Đây là một sáng kiến quan trọng của chủ nhà Việt Nam và được các nền kinh tế thành viên APEC hưởng ứng mạnh mẽ. Sự kiện này sẽ diễn ra ngày 16/5 tới và góp phần định hướng cho APEC trong thời gian tới. Hoạt động nổi bật thứ ba là Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Đối thoại là một trong những nội dung ưu tiên được thống nhất tại Hội nghị SOM1 và được cụ thể hóa tại Hội nghị SOM2. 


Các nền kinh tế thành viên APEC đều nhìn nhận, trong kỷ nguyên số này, nếu chúng ta không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, đặc biệt là cho thế hệ thanh niên và các tầng lớp xã hội khác nhau thì các nền kinh tế thành viên APEC sẽ không bắt kịp nhau và tạo ra khoảng cách trong xã hội. Các nền kinh tế thành viên APEC ủng hộ rất mạnh mẽ sáng kiến của Việt Nam đóng góp tại Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Trong Đối thoại này, các nền kinh tế thành viên APEC cùng nhau thảo luận các biện pháp để tận dụng được lợi thế của các nền kinh tế thành viên APEC; chia sẻ kinh nghiệm tận dụng các cơ hội Cách mạng công nghệ số mang lại cho các nền kinh tế thành viên; tìm giải pháp tạo ra sự phát triển đồng đều, có sự tham gia chung của tất cả các lực lượng, thành phần kinh tế.


Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!



Thu Phương (thực hiện) (TTXVN)
APEC 2017: Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khai khoáng
APEC 2017: Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khai khoáng

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN bên lề Hội nghị lần thứ 11 của Nhóm đặc trách về khai khoáng (MTF) tại Hà Nội, các đại biểu đều nhấn mạnh tầm quan trọng của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và sự cần thiết phải tăng cường hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên APEC trong lĩnh vực khai khoáng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN