APEC 2017: Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá, việc tổ chức cuộc Đối thoại này giúp tăng cường hợp tác hơn nữa giữa các bên liên quan trong nỗ lực ứng phó với những vấn đề chung như an ninh lương thực, khan hiếm tài nguyên và tác động của biến đổi khí hậu.

Các đại biểu trao đổi trong phiên đối thoại về sử dụng có trách nhiệm tài nguyên để đảm bảo sản xuất lương thực bền vững. Ảnh: Thế Anh/TTXVN

Ngày 24/8, Tuần lễ An ninh lương thực và Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu tiếp tục ngày làm việc thứ 7 với cuộc Đối thoại giữa các Bộ trưởng các nền kinh tế thành viên APEC và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực về sử dụng có trách nhiệm tài nguyên để tăng cường sản xuất lương thực và kinh doanh nông nghiệp bền vững.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì cuộc Đối thoại. Cùng dự có Bộ trưởng và một số lãnh đạo các Bộ phụ trách về nông nghiệp của các nền kinh tế thành viên APEC và Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC kiêm Chủ tịch diễn đàn CEO của APEC. Khoảng 150 đại biểu đại diện của các nền kinh tế APEC đã tham dự Đối thoại.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao việc tổ chức cuộc Đối thoại này, giúp khẳng định nhận thức chung về vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp khu vực cũng như những cam kết chung về việc tăng cường hợp tác hơn nữa giữa các bên liên quan trong nỗ lực ứng phó với những vấn đề chung như an ninh lương thực, tình trạng khan hiếm tài nguyên và tác động của biến đổi khí hậu.

Trao đổi về định hướng của nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 2 thách thức lớn đó là: Nông nghiệp Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi và là ngành chịu tác động nặng nề do biến đổi khí hậu. Để đối phó với những thách thức trên, duy trì sự phát triển và nâng cao hiệu quả và tính bền vững của nền nông nghiệp, Việt Nam đang triển khai chương trình tái cơ cấu nền nông nghiệp, trong đó các giải pháp trọng tâm là thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất chủ yếu theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, đồng thời nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm nhẹ và thích ứng với biến đối khí hậu. Trong tiến trình phát triển này doanh nghiệp có vai trò quan trọng, giúp huy động được mọi nguồn lợi xã hội bao gồm: nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao; nguồn tài chính dồi dào phục vụ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm sử dụng nguồn lợi hiệu quả và tiết kiệm, giảm thất thoát và lãng phí lương thực… 

* Cùng ngày đã diễn ra một số cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương của các lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các đối tác.

Tại cuộc gặp làm việc giữa Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Australia, Thượng nghị sĩ Anne Ruston, hai bên đã ký kết “Bản ghi nhớ về phòng chống đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không theo quy định” nhằm tăng cường mối quan hệ song phương theo chiều sâu và đặt cơ sở cho việc hợp tác thường xuyên giữa hai Chính phủ trong việc giải quyết vấn đề tàu thuyền mang cờ hai nước đánh bắt cá trái phép, không theo quy định và không báo cáo.

Cũng nhân dịp này, hai bên đã tuyên bố về việc hoàn thiện các thủ tục mở cửa thị trường Australia cho quả thanh long Việt Nam và mở cửa thị trường Việt Nam cho quả anh đào Australia. Phía Việt Nam đề nghị phía Australia hỗ trợ Việt Nam xây dựng phòng thí nghiệm tại Việt Nam để xét nghiệm chất lượng tôm sống cho xuất khẩu. Hai bên cam kết sẽ cùng phối hợp chặt chẽ với nhau để đẩy nhanh các thủ tục tiếp cận cho các nông sản khác, góp phần tăng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước.


Tại cuộc gặp với bà Kundhavi Kadiresan, Phó Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) kiêm Trưởng đại diện FAO châu Á–Thái Bình Dương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: FAO là một đối tác quan trọng và là nguồn cung cấp chính các hỗ trợ kỹ thuật cho ngành nông nghiệp Việt Nam và đề nghị FAO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về các nội dung tăng cường năng lực về chính sách, thể chế (như hỗ trợ xây dựng Luật Trồng trọt và Chăn nuôi), phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo gắn với sáng kiến “Zero hunger”, phòng chống dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm, và thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đỏi khí hậu, nhất là vùng miền núi phía Bắc.

Bà Kundhavi Kadiresan đã đánh giá cao những thành tựu của nông nghiệp Việt Nam trong thời gian qua và đề nghị Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm với các nền kinh tế khác trong khu vực và tăng cường hợp tác Nam-Nam. Bà cũng nhấn mạnh FAO là đối tác kỹ thuật và mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam để phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc xây dựng khung hợp tác Việt Nam – FAO giai đoạn 2017-2021 là rất quan trọng để huy động nguồn lực và xác định ưu tiên

Cũng trong ngày 24/8, gần 300 đại biểu đại diện các nền kinh tế thành viên APEC đã tham gia chương trình tham quan thực địa Vườn trái cây Vàm Xáng, huyện Phong Điền, Cần Thơ; mô hình nuôi trồng và chế biến thủy sản của Công ty Vĩnh Hoàn, huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), Viện nghiên cứu lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long và Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, thành phố Cần Thơ. Các đại biểu đã có dịp tìm hiểu về mô hình điển hình của đầu tư tư nhân, kinh tế hộ gia đình trong sản xuất nông nghiệp hướng tới đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững; khả năng và cam kết cung cấp cá tra, cá basa chất lượng cao, an toàn, bổ dưỡng, được nuôi theo tiêu chuẩn bền vững quốc tế; về khả năng của Việt Nam trong việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, dịch vụ và sản xuất kinh doanh về cây lúa và hệ thống nông nghiệp phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khả năng liên kết với nông dân để trực tiếp sản xuất, chăm sóc, bảo quản, chế biến, đóng gói sản phẩm và trực tiếp cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.

TTXVN/Báo Tin Tức
APEC 2017: Ngày làm việc thứ 7 của SOM 3 đạt nhiều kết quả quan trọng
APEC 2017: Ngày làm việc thứ 7 của SOM 3 đạt nhiều kết quả quan trọng

Với 12 hoạt động trong ngày 24/8, Hội nghị lần thứ 3 các quan chức cao cấp (SOM 3) và các cuộc họp liên quan thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC 2017) tiếp tục diễn ra với những nội dung quan trọng của các Ủy ban, Tiểu ban, Nhóm công tác; trong đó nổi bật là kết quả Cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN