Vùng rừng U Minh Hạ, Cà Mau, đã "bừng sáng" nhờ sự đóng to lớn từ khu công nghiệp khí - điện - đạm. Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN |
Dưới đây là các ý kiến được phóng viên TTXVN ghi nhận từ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng về những thuận lợi, khó khăn cũng như tương lai trước một thị trường rộng lớn.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Thương mại điện tử đang trở thành một nền tảng giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể lớn lên và có được những lợi thế để thâm nhập thị trường toàn cầu. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhất mà chúng tôi thảo luận tại các hội nghị APEC năm nay.
Vấn đề là làm thế nào để có thể quốc tế hóa được các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Muốn quốc tế hóa được các doanh nghiệp siêu nhỏ, đồng nghĩa với việc chính họ phải tự vươn lên và được tạo điều kiện để vươn lên các chuẩn mực quốc tế, song vẫn mang trên mình sự độc đáo, khác biệt của doanh nghiệp Việt.
Điều ấy sẽ tạo nên một nền kinh tế Việt Nam với nhiều nét đặc trưng, đa dạng cùng những lợi thế rất nổi trội ở tất cả các lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp.... Đó chính là những cơ hội mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải xác định để hướng tới.
Tất nhiên, cùng với đó là những thách thức không hề nhỏ của quá trình này, đòi hỏi các doanh nghiệp cần có sự sáng tạo, độc đáo và nỗ lực vượt bậc trong việc tái cấu trúc để nâng cao chuẩn mực của mình.
Điều doanh nghiệp cần làm là ngay từ những bước đi đầu tiên phải luôn xác định nâng cao trình độ quản trị, nâng cao trình độ công nghệ, hướng theo các tiêu chuẩn về phát triển bền vững; cùng với đó là thực hiện tốt các trách nhiệm xã hội.
Ông Nguyễn Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sơn An Hà Tĩnh: Cho dù ở đâu, thị trường nội địa, thị trường ASEAN hay thị trường các nền kinh tế APEC thì doanh nghiệp muốn cạnh tranh phải ở chất lượng, giá cả, mẫu mã sản phẩm và sự phù hợp.
Mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp lúc này là Chính phủ tăng cường đầu tư thêm cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa; có các chính sách riêng để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu. Cụ thể, đó là sự hỗ trợ về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới trang thiết bị máy móc; tín dụng và ưu đãi lãi suất...
Thực tiễn, cũng đã có nhiều chính sách được đưa ra, song để doanh nghiệp quy mô nhỏ tiếp cận và thu hút được nguồn lực từ những chính sách của Chính phủ vẫn còn là điều khó khăn.
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh các mặt hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng, hướng đi mà Sơn An tập trung chính là khai thác triệt để tiềm năng và lợi thế về chất xám, về sức sáng tạo của con người; cộng với việc không ngừng đổi mới trang thiết bị, máy móc và công nghệ để cho ra đời những dòng sản phẩm mới.
Ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam:
Sản xuất khuôn đúc tại nhà máy của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam, Khu công nghiệp Hiệp Phước, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/TTXVN |
Việt Nam là thành viên của APEC sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp hợp tác làm ăn với thế giới, tiếp thu và nâng cao trình độ công nghệ, bởi sự hội tụ của hàng nghìn doanh nghiệp, cùng với đó là cam kết của APEC về những chính sách để đảm bảo thuận lợi cho sản xuất của các doanh nghiệp. Đồng thời APEC cũng là nơi để doanh nghiệp quảng bá hình ảnh và có thể mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, nhìn lại ngành cơ khí Việt Nam đến nay vẫn còn yếu kém, chưa thực sự phát được huy tối đa về khả năng kết nối, liên kết, hợp tác với nhau để cùng chiếm lĩnh thị trường trong nước, chưa nói đến việc có thể lấn sân sang nước ngoài. Lý do này một phần nhiều doanh nghiệp vẫn đang sử dụng những công nghệ cũ, lạc hậu, việc tiếp cận vốn khó khăn.
Để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, Hiệp hội mong muốn Chính phủ, có sự hỗ trợ các doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ triển lãm tại nước ngoài, tăng cường công tác thông tin và mở rộng thị trường.
Thêm nữa, các cơ quan chức năng cần sớm có một chiến lược phát triển, để định hướng cho các doanh nghiệp, hỗ trợ ra sao và làm như thế nào… Để từ đó, doanh nghiệp có động lực, hướng đi cụ thể phát triển trong hội nhập…
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam: Trước đây, thị trường xuất khẩu chính của các sản phẩm thép Việt Nam vẫn chỉ là khu vực ASEAN. Là thành viên của APEC mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp thép đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời cũng tạo ra sức ép cạnh tranh cho các doanh nghiệp thép cả về trình độ quản lý, công nghệ, nhân lực. Từ đó, buộc các doanh nghiệp phải tự cải tổ, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể thúc đẩy xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Việt Nam phải chịu nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại đến từ nước như Australia, Mỹ, Singapore, Indonesia… là những nước nằm trong nhóm APEC, gây ra những tác động không nhỏ đến việc xuất khẩu sản phẩm thép của Việt Nam vào những thị trường này.
Vì vậy, quan trọng nhất vẫn là bản thân các doanh nghiệp ngành thép cần chủ động nâng cao hiểu biết của mình và phải hợp tác với các cơ quan điều tra để giảm thiểu thiệt hại, doanh số khi xuất khẩu sang các nước. Đồng thời chủ động để có thể tự vệ trước các vụ kiện của nước ngoài và cũng có thể kiện phòng vệ ở thị trường trong nước.
Về phía các cơ quan chức năng, thời gian qua, các đơn vị tại Cục Quản lý cạnh tranh cũng hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp thép trong các vụ kiện quốc tế. Tuy nhiên, Hiệp hội cũng kiến nghị cần nâng cao hơn nữa nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong tự vệ thương mại, luật quốc tế, để có thể hỗ trợ hơn nữa cho các doanh nghiệp trong quá trình tranh tụng thương mại khi Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng hơn.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam:
Sản xuất sợi xuất khẩu của Công ty Cổ phần Sợi Phú Bài - Huế. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN |
Tôi cho rằng APEC 2017 là cơ hội tốt cho các ngành công nghiệp; trong đó có ngành dệt may.
Trước hết, APEC 2017 diễn ra tại Việt Nam là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tiếp xúc với các nhà đầu tư, nhà mua lớn, từ đó nhìn nhận đánh giá, xây dựng chiến lược dài hạn của doanh nghiệp. Đồng thời sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận lại mình trong chiến lược phát triển đối với ngành công nghiệp dệt may hội nhập. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đánh giá năng lực của mình với các nước trong khối thành viên APEC và nâng cao khả năng phát triển khối thị trường mới.
Tuy nhiên, bên cạnh việc mở ra một số thuận lợi, cũng sẽ có khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đa số là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa với trình độ công nghệ phát triển còn hạn chế, phương thức quản lý chưa phù hợp, chiến lược kinh doanh thiếu chủ động.
Trái lại, sức cạnh tranh mạnh mẽ của các đối thủ đến từ những nền kinh tế thành viên APEC vốn có trình độ phát triển khoa học - công nghệ cao, tốc độ tăng trưởng nhanh là điều không thể phủ nhận.
Trong khi đó, bản thân các doanh nghiệp trong nước lại thiếu tính gắn kết chủ động và chặt chẽ với nhau, trong khi các hiệp hội chưa nâng cao sức mạnh và vai trò dẫn dắt trong chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin và nâng cao năng lực kinh doanh của toàn ngành trước áp lực cạnh tranh từ các đối thủ bên ngoài.
Hơn nữa, cơ cấu kinh tế và thương mại của hầu hết các nước thành viên đều coi trọng việc đẩy mạnh xuất khẩu và chiếm lĩnh các thị trường nước ngoài nên Việt Nam cũng sẽ gặp khó khăn lớn trong việc mở rộng và bảo vệ thị phần của mình ở cả trong và ngoài nước.
Để theo kip các nước trong khối, mỗi doanh nghiệp phải đầu tư để phát triển có tính bền vững trong tương lai. APEC trong năm 2017 đã và sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh, đầu tư, hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Từ đó để chúng ta có thể lựa chọn các mô hình trong chiến lược dài hạn làm sao phù hợp hơn với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra nhanh.