Đây là mô hình hoạt động rất hiệu quả suốt nhiều năm qua và có mối quan hệ gắn bó khăn khít với nhau. Từ mô hình này, đồng vốn Agribank đến tay bà con nông dân thuận lợi và nhanh chóng nhất, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đúng đối tượng. Nơi đây còn là nơi để bà con nông dân gửi gắm niềm tin, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh…
Hội nông dân là cánh tay nối dài của Agribank
Sự có mặt khắp địa bàn rộng lớn, tổ vay vốn được ví như “cánh tay nối dài” của Agribank Tây Ninh tới người dân. Mô hình này được triển khai hiệu quả còn cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa Agribank Tây Ninh với các cấp ủy, chính quyền địa phương trong phối hợp triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới tay người nông dân.
Khách hàng giao dịch tại Agribank. |
Đánh giá về hình thức cho vay theo tổ sản xuất, ông Trần Văn Hận - Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Tây Ninh cho biết: “Thông qua Hội Nông dân, Agribank Tây Ninh như có thêm cánh tay nối dài để đưa tín dụng tới tay người nông dân. Các hộ nông dân nhờ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, từ chỗ sản xuất, chăn nuôi với quy mô nhỏ, giờ đây đã phát triển với quy mô sản xuất hàng hóa lớn hơn. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Mô hình này đã giúp cho cán bộ ngân hàng có thêm bài học về cách vận động quần chúng, còn Hội Nông dân thì học được cách quản lý dòng tiền sao cho hiệu quả”.
Mối quan hệ giữa Hội nông dân và Agribank gắn bó và hỗ trợ bà con nông dân phát triển sản xuất. Nhờ đó, cả hai bên đã nắm bắt được sát tình hình, nhu cầu cần vốn của nhân dân cũng như hướng dẫn kịp thời cho người dân sử dụng vốn vay đạt được hiệu quả cao nhất. Thông qua các tổ sản xuất, đồng vốn đến được đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích và có sự giám sát chặt chẽ giữa các thành viên trong tổ. Đồng thời những bức xúc của bà con nông dân cũng được lãnh đạo Hội và Agribank Tây Ninh kịp thời giải quyết. Từ đó tạo tâm lý cho dân yên tâm hơn, tin tưởng gắn bó với ngân hàng và giảm tình trạng bán lúa non khi phải vay nặng lãi để sản xuất.
Thực tế, để có được hiệu quả sử dụng đồng vốn vay theo mô hình tổ liên kết sản xuất vai trò giám sát của các tổ chức đoàn thể là vô cùng quan trọng, họ là những người bán sát địa bàn, hiểu dân. Ông Võ Tự Thiện - Giám đốc Agribank Tây Ninh cho biết: “Một trong những giải pháp hoạt động của ngân hàng là duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể theo các nghị quyết liên tịch. Từ đó cho vay theo mô hình tổ liên kết sản xuất, tạo được hệ thống cộng tác viên là cán bộ đoàn thể tiếp cận giới thiệu, tiếp nhận nhu cầu vay vốn trên địa bàn nông thôn. Qua đó, tạo ảnh hưởng đến lãnh đạo cấp ủy, chính quyền quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trên địa bàn. Hàng tháng, ngân hàng lấy ý kiến của cấp ủy xã nhận xét về hoạt động tín dụng địa bàn để bình xét thi đua cũng như chấn chỉnh kịp thời các sai sót đối với cán bộ tín dụng địa bàn. Việc ủy thác này vừa giúp người nông dân tiếp cận được nguồn vốn vay, vừa giúp chuyển tải nhanh những phản ánh, bức xúc của người dân về vốn vay, lãi suất… đến lãnh đạo ngân hàng thông qua cán bộ Hội nông dân”.
Làm giàu từ tổ liên kết sản xuấtTừ 30 triệu đồng vốn vay ban đầu, sau 3 năm nhờ mua cặp bò sinh sản mà ông Trần Công Lập (ấp Phước Lợi 1, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) đã thoát nghèo và có vốn làm ăn. Ông Lập khoe: “Tôi được vay 30 triệu đồng trong vòng 3 năm để chăn nuôi bò. Sau 2 năm bò sinh được 2 con, hết thời hạn vay tôi bán 1 con để trả nợ ngân hàng, còn lại 3 con trị giá khoảng 85 triệu đồng”.
Nông dân Võ Văn Ten (ngồi giữa, giơ tay) đang kể với đoàn công tác Agribank về quá trình sở hữu diện tích 200ha đất nhờ nguồn vốn vay từ Agribank. |
Ông Lập hiện là tổ trưởng tổ liên kết sản xuất ở ấp Phước Lợi 1, ông cho biết trong tổ có khoảng 10 hộ được vay vốn của Agribank Tây Ninh đầu tư nuôi bò sinh sản. Sau 3 năm nuôi bò, tất cả các hộ đều trả hết nợ ngân hàng và đã có vốn dư tiếp tục đầu tư mua thêm bò hoặc mua thêm đất để mở rộng sản xuất.
Cũng như tổ ông Lập, ông Phạm Văn Tẩy có thâm niên 16 năm tham gia tổ liên kết sản xuất ấp Phước Bình 2, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu đã thoát nghèo và vươn lên làn giàu. Ông Tẩy cho biết, tổ của ông có 47 hộ với số tiền vay gần 1,9 tỷ đồng để đầu tư chăn nuôi bò hoặc trồng mì, mía, mít... Đến nay, các thành viên trong tổ đều có của ăn, của để và tiếp tục làm giàu từ đồng vốn vay của Agribank Tây Ninh. “Bản thân tôi là người khó khăn nhất, sau khi vay 30 triệu đồng trồng mãng cầu và tích cóp mua đất, đến nay cũng có đến hơn 3ha trồng cây ăn trái”, ông Tẩy chia sẻ.
Ông Phạm Văn Tẩy cho biết thêm, trong quá trình sản xuất, nếu thành viên tổ liên kết vay vốn gặp rủi ro thì liên hệ với Agribank để tìm cách tháo gỡ khó khăn. Chẳng hạn như có hộ nuôi bò đến thời hạn trả nợ ngân hàng nhưng bò đang chửa, nếu bán bò thì thiệt thòi nên ngân hàng cho gia hạn. Hoặc vay vốn trồng mì, mía, mãng cầu nhưng không may bị sâu bệnh, thiên tai... tất cả đều được Agribank xem xét gia hạn để nông dân khắc phục khó khăn và yên tâm sản xuất.
Tại ấp Phước Hội xã Suối Đá, Dương Minh Châu, ông Võ Văn Ten (sinh năm 1942) là một nông dân điển hình làm giàu từ nguồn vốn của Agribank. Không những làm giàu cho bản thân mà ông còn giúp 30 người thường xuyên có việc làm với thu nhập bình quân 200.000 đ/ngày/người. Ông năm Ten hiện sở hữu khoảng 200 ha đất để trồng mì, mía, cao su, mãng cầu và đặc biệt ông trồng hơn 70 ha rừng. Ông Ten nhớ lại: “Năm 1980 tôi tới lập nghiệp tại xã Suối Đá với diện tích đất 1,2ha nhưng lại không có vốn để đầu tư sản xuất. Có được quỹ đất như ngày hôm nay là nhờ Agribank Tây Ninh cả đó. Tôi đã mạnh dạn gõ cửa và được Agribank xem xét giải quyết vốn”. Cứ vay, trả rồi lại vay để đầu tư mở rộng diện tích đất sản xuất, đến nay ông năm Ten không nhớ đã vay Agribank bao nhiêu lần, chỉ nhớ lần vay gần đây nhất là 800 triệu đồng để thêm tiền mua 2ha đất.
Việc triển khai mô hình cho vay tổ liên kết sản xuất và ủy thác tín dụng từng phần, Agribank Tây Ninh đã kết hợp hài hòa giữa việc cho vay vốn với việc tư vấn, hướng dẫn sử dụng vốn vay có hiệu quả. Thông qua các tổ để nắm bắt được tâm tư nguyện vọng nhu cầu sử dụng vốn của người dân để kịp thời có cách làm linh hoạt hoặc kiến nghị với ngân hàng để có chính sách phù hợp phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn. Nhờ đó đã hình thành các tổ liên kết sản xuất và nhiều gia đình đã phát huy hiệu quả tốt vốn vay.
Năm 2015, Agibank Tây Ninh huy động vốn đạt 70.505 tỷ đồng. Nguồn vốn dư huy động được 10.339 tỷ đồng, tăng 1.226 tỷ đồng (+13,5%) so với đầu năm.
Doanh số cho vay đạt 12.699 tỷ đồng, tăng 1.474 tỷ đồng (+13,1%) so năm trước. Trong đó cho vay ngắn hạn là 9.866 tỷ đồng, tăng 1.086 tỷ đồng (+12,4%); cho vay trung, dài hạn 2.833 tỷ đồng, tăng 388 tỷ đồng (+15,9%).
Dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 8.393 tỷ đồng, chiếm 91,6% tổng dư nợ. Cho vay mô hình tổ liên kết cho 1.430 tổ với 28.533 thành viên và dư nợ là 936 tỷ đồng.
Cho vay 24 xã điểm phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với tổng dư nợ 1.742 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 19%/ tổng dư nợ... |