29 xã biên giới, thuộc 4 huyện của tỉnh Điện Biên là: Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé và Nậm Pồ còn rất nhiều khó khăn về thông tin và truyền thông.
Trong số 29 xã này, hiện 24 xã có điểm bưu điện văn hóa xã hoạt động, cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông; trong đó có 13 điểm bưu điện văn hóa xã được xây dựng từ hơn chục năm nay, đã xuống cấp nghiêm trọng.
Hạ tầng mạng lưới viễn thông cũng đã được đầu tư, đặc biệt là mạng di động tại 29 xã biên giới, với 137 trạm thu phát, trong đó có 38 trạm 3G, 99 trạm 2G với phương thức truyền dẫn bằng cáp quang và viba. Tuy nhiên, để có sóng thông tin di động trên địa bàn các xã, ngoài các trạm BTS sử dụng điện lưới quốc gia hiện vẫn còn 15 trạm BTS sử dụng nguồn điện máy nổ của doanh nghiệp, gây tốn kém và không đảm bảo 24 giờ/ngày.
Đối với dịch vụ Internet, hiện chỉ có 103/313 thôn, bản thuộc 29 xã biên giới có mạng Internet; trong đó có 7 xã: Chung Chải, Si Pa Phìn, Ma Thì Hồ, Na Sang, Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Chăn đạt chuẩn theo tiêu chí về Internet đến thôn, bản.
Từ nay đến năm 2015, để triển khai có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 29 xã biên giới, tỉnh Điện Biên tiếp tục thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng viễn thông, nhằm mở rộng vùng phủ sóng di động và cung cấp dịch vụ Internet đến 100% các thôn, bản của 29 xã biên giới. Đồng thời, đầu tư xây dựng mới 16 điểm bưu điện văn hóa xã; cải tạo, nâng cấp 13 điểm bưu điện văn hóa xã đã xuống cấp, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phục vụ dịch vụ bưu chính, viễn thông tại các xã.
Việc đẩy nhanh Đề án xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc ít người khu vực biên giới tỉnh Điện Biên giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020 sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển đồng bộ và bền vững về hoạt động thông tin và truyền thông cơ sở nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh Điện Biên nói chung.
KT