Theo khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) trên 10.000 doanh nghiệp cho thấy, hơn 59% doanh nghiệp khó khăn đơn hàng; hơn 51% khó khăn khi tiếp cận vốn vay; hơn 45% khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính và quy định pháp luật; 31,1% lo lắng về nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế. Đáng chú ý, 84% doanh nghiệp đánh giá sự điều hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương kém hiệu quả.
Bên cạnh khó khăn về dòng tiền, về lãi suất cho vay vẫn cao dù thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã rất nỗ lực tiết giảm chi phí, lợi nhuận để giảm lãi suất, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều vướng mắc về pháp lý, thể chế khiến một số hoạt động kinh doanh bị tắc nghẽn.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận thực tế rằng, những chính sách hỗ trợ, thủ tục bằng 0, tức là những thủ tục tự động như chính sách hỗ trợ người lao động, giãn hoãn thuế… hầu hết đi vào cuộc sống rất nhanh, doanh nghiệp đánh giá cao. Theo Bộ Tài chính, dự kiến quy mô các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã và sẽ ban hành năm 2023 khoảng 200.000 tỷ đồng. Trong đó, miễn, giảm 79.000 tỷ đồng; gia hạn 121.000 tỷ đồng.
Để cứu doanh nghiệp trong bối cảnh đặc biệt khó khăn, các chuyên gia kinh tế cho rằng: Cần nhiều giải pháp cấp bách, thậm chí vượt tiền lệ.
Phóng sự trên Tin tức TV "Doanh nghiệp hóng giải pháp tháo gỡ cấp bách" sẽ làm rõ vấn đề này.
Tuyệt đối không làm gia tăng thêm điều kiện, rào cản pháp lý đối với doanh nghiệp
Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề nhằm tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất và kinh doanh, thông tin này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương mới đây.
Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có Tờ trình số 5152 gửi Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết nêu trên. Theo đó, Việt Nam sẽ quyết tâm hành động cao nhất để thích ứng linh hoạt, hiệu quả, tranh thủ mọi thời cơ, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả phía cung và cầu của nền kinh tế....; phối hợp đồng bộ, linh hoạt chính sách tiền tệ, tài khóa, các chính sách về thương mại, quản lý ngành, lĩnh vực nhằm gỡ khó sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và người dân.
"Cần chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; khắc phục triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc; đẩy mạnh cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đặc biệt, hạn chế tối đa thủ tục hành chính phát sinh trong thực thi chính sách, tuyệt đối không làm gia tăng thêm điều kiện, rào cản pháp lý, chi phí tuân thủ trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân", nội dung của Dự thảo Nghị quyết nêu.