Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng cao trong 9 tháng đầu năm

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 16,4%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ với 5%.

Theo Bộ Công Thương, tính chung 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã đạt con số 194,3 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Điểm nổi bật là xuất khẩu có xu hướng tăng dần qua các quý. Theo đó, quý I tăng 5,3%, quý II tăng 7,2% và lên 8,2% vào quý III.

Đáng chú ý, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 16,4%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (5%), qua đó tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 28,5%). 

Như vậy, sau khi đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm 2018, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2019, với mức tăng 16,4%, cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước (đạt 8,2%) và tăng gấp hơn 3 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (đạt 5%).

Chú thích ảnh
Chế biến cá ngừ đại dương đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng của khối trong nước không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2018 thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018, ước đạt 163,66 tỷ USD, chiếm 84,23% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 82,6% của năm 2018 và 81,1% của năm 2017.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đạt trên 10 tỷ USD đều thuộc về nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, điện thoại các loại là mặt hàng có kim ngạch đạt cao nhất với 38,6 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2018; Kim ngạch xuất khẩu máy vi tính tăng 16,9%; dệt may tăng 10,4%; giày dép tăng 13,5% và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 7,5%.

Kim ngạch xuất khẩu của 5 mặt hàng này trong 9 tháng đầu năm 2019 đóng góp 10,37 tỷ USD, chiếm 70,34% trong tổng số 14,75 tỷ USD tăng thêm của tổng kim ngạch xuất khẩu chung so với cùng kỳ năm trước.

Tựu chung, trong 9 tháng đầu năm 2019, đã có tới 31/45 mặt hàng có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, 28 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 90,96% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo đại diện Bộ Công Thương, việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác đối với hàng có xuất xứ Việt Nam cũng làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác. 

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường có ký kết FTA với Việt Nam đa số đều đạt mức tăng trưởng tốt như Xuất khẩu sang Nhật Bản 9 tháng đầu năm tăng 10%; xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 8,1%; xuất khẩu sang ASEAN tăng 4,7%; xuất khẩu sang Nga tăng 13,9%; xuất khẩu sang Niudilan tăng 12,5% so với cùng kỳ...

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu (xuất khẩu sang Canađa 9 tháng đầu năm đạt 2,9 tỷ USD, tăng 30,9%; xuất khẩu sang Mexico đạt 2,2 tỷ USD, tăng 27%). 

Riêng thị trường Mỹ, vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2019 tăng 28,2% so với cùng kỳ, ước đạt 44,86 tỷ USD. 

Thu Trang/Báo Tin tức
Doanh nghiệp phải áp dụng hóa đơn điện tử khi nào?
Doanh nghiệp phải áp dụng hóa đơn điện tử khi nào?

Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA), thời hiệu áp dụng hóa đơn điện tử đang là vấn đề doanh nghiệp quan tâm do Nghị định hướng dẫn và Luật sửa đổi chưa đồng nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN