Tuyến đường gốm sứ trên nền đê sông Hồng bằng bê tông ốp gốm, sứ, gạch men, từng là niềm tự hào của Thủ đô Hà Nội trong mắt du khách thập phương, dài 3.850 m, diện tích 6.950 m2, cao trung bình 1,7 m, chạy dọc qua các tuyến phố: Trần Khánh Dư (quận Hai Bà Trưng), Trần Quang Khải, Trật Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm), Yên Phụ (quận Ba Đình), Nghi Tàm (quận Tây Hồ) được hoàn thành vào tháng 9/2010, nhân sự kiện 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Tuyến đường Gốm sứ chính là bức tranh gốm đa dạng mang dấu ấn của 3 làng gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng. Toàn bộ công trình được ghép bằng 27 đoạn tranh gốm nối tiếp nhau theo nhiều chủ đề và các họa tiết hoa văn theo dòng chảy lịch sử từ Đông Sơn qua Lý - Trần - Lê - Nguyễn và do 20 nghệ sỹ Việt Nam, 15 nghệ sỹ quốc tế, 50 sinh viên các trường mỹ thuật, cùng 100 nghệ nhân, thợ thủ công thực hiện.
Video: Xót xa cảnh quan tuyến đường Gốm sứ xuống cấp
Qua tìm hiểu, tuyến đường Gốm sứ đã được duy tu, sửa chữa nguyên trạng vào các năm 2015, 2017, nhưng đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng nứt vỡ, bong tróc, biến mầu... thành những mảng rộng, làm lộ rõ tường bê tông bên trong, hay những vết nứt kết cấu ngang dọc kéo dài tại nhiều vị trí trên bức tranh gốm.
Bắt đầu từ phố Trần Khánh Dư đến hết phố Nghi Tàm, không khó để bắt gặp những hình ảnh nêu trên. Có những mảng gốm bong tróc rộng tới vài m2, kéo dài 3 - 4 m; nhiều vị trí bị phủ bụi, ám khói xe buýt nhem nhuốc; thậm chí, có nơi trở thành bãi chứa xe thùng, thùng xốp cũ hỏng, xả rác thải bừa bãi hoặc người dân vệ sinh, phóng uế ngay dưới chân tường... ảnh hưởng không nhỏ tới mỹ quan của cả công trình.
Thực tế, chính quyền các phường sở tại thuộc các quận có tuyến đường chạy qua, cũng đã xây dựng kế hoạch phối hợp lập lại trật tự an toàn giao thông, trật tự văn minh đô thị, trong đó có nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh môi trường định kỳ hàng tuần, hàng tháng đối với tuyến đường Gốm sứ. Tuy nhiên, việc thực hiện thời gian qua diễn ra không thường xuyên, kiểu "bắt cóc bỏ đĩa", càng khiến tuyến đường xuống cấp hơn.
Trước thực trạng tuyến đường Gốm sứ ven sông Hồng bị xuống cấp nghiêm trọng, mất vệ sinh môi trường đang được dư luận quan tâm, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã yêu cầu các UBND các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ tăng cường công tác quản lý bảo vệ, chỉ đạo UBND các phường liên quan duy trì kiểm tra, tuyên truyền và thực hiện tốt Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng; tổ chức giữ gìn vệ sinh, thu gom rác thải và xử lý nghiêm tình trạng thiếu ý thức của không ít người dân (nếu phát hiện).
Tuyến đường gốm sứ là công trình văn hóa nghệ thuật lớn của Thủ đô, không thể để tình trạng nhếch nhác kéo dài. Vì vậy, việc khắc phục tận gốc là giải pháp không thể thay đổi. Do tuyến đường đi qua 4 quận, nên bên cạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trách nhiệm của chính quyền các địa phương ở cơ sở không nhỏ, nhất là vai trò của cộng đồng trong việc gìn giữ vệ sinh môi trường khu vực tuyến đường Gốm sứ cũng vô cùng quan trọng. Người dân Thủ đô mong muốn các cơ quan liên quan sớm có biện pháp khắc phục triệt để tình trạng trên, trả lại cảnh quan sạch đẹp cho công trình văn hóa đạt kỷ lục Guinness thế giới của TP Hà Nội.
Từ tháng 6/2020, để mở rộng đường Âu Cơ từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân, TP Hà Nội đã cho phá dỡ hơn 362 m tranh gốm, với tổng diện tích hơn 691 m2 trên tuyến đường Gốm sứ ven sông Hồng, nhằm giải quyết ùn tắc giao thông tại khu vực này và đảm bảo an toàn phòng chống lũ. Sau khi hoàn thành dự án, đơn vị thi công tuyến đường Gốm sứ muốn dựng lại những bức tranh gốm có thể gắn vào bức tường mới. Việc phá dỡ này sẽ được báo cáo đến Tổ chức kỷ lục Guinness thế giới.