Ngày 14/9, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì buổi làm việc với Thông tấn xã Việt Nam về tình hình hoạt động và định hướng phát triển của Thông tấn xã Việt Nam trong giai đoạn mới. Tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan: Thông tin và Truyền thông, Quốc phòng, Công an, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Ngoại giao, Ủy ban Dân tộc; Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang và các đồng chí trong Ban lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam, lãnh đạo các đơn vị chủ chốt trực thuộc Thông tấn xã Việt Nam; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam báo cáo, ý kiến phát biểu của các đồng chí dự họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau: Trong thời gian qua, Thông tấn xã Việt Nam luôn là một tập thể đoàn kết, thống nhất, kế thừa và phát huy được truyền thống anh hùng của các thế hệ đi trước, thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao như: Cung cấp thông tin, báo cáo có giá trị phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kịp thời phát hiện, thông tin về những vấn đề mới, vấn đề thời sự trong nước và quốc tế được công chúng quan tâm; trở thành cầu nối quan trọng, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Chính phủ…
Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (cả về chính trị, tư tưởng, chuyên môn nghiệp vụ) đã được Thông tấn xã Việt Nam quan tâm và nghiêm túc thực hiện có hiệu quả, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên; giữ nghiêm kỷ luật thông tin.
Đánh giá về sự nghiệp 35 năm đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, đồng chí Tổng Bí thư từng nói: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín như ngày nay". Trong thành tựu này, có phần đóng góp quan trọng của Thông tấn xã Việt Nam. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao những thành tích Thông tấn xã Việt Nam đã đạt được và rất mong Thông tấn xã Việt Nam tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
Bên cạnh những thành tựu nêu trên, Thông tấn xã Việt Nam vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức và hạn chế, yếu kém cần sớm được khắc phục như: Những kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với một cơ quan thông tấn quốc gia với vai trò là nguồn thông tin chính thống của cả hệ thống báo chí, truyền thông trong và ngoài nước; chất lượng nguồn nhân lực, trang thiết bị làm việc còn nhiều hạn chế, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ với nhiều thay đổi có tính đột phá trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi và thời cơ, đất nước ta sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng yêu cầu Thông tấn xã Việt Nam phải nỗ lực, vươn lên mạnh mẽ; phát huy hơn nữa những thành tích, kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập, chia sẻ khó khăn cùng đất nước và nhân dân; đổi mới tư duy lãnh đạo, điều hành; có các giải pháp cụ thể để nâng cao trình độ tác nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; tiếp tục xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, góp phần cùng các cấp, ngành đưa đất nước ngày càng phát triển; trong đó cần lưu ý quán triệt và làm tốt 6 nội dung sau:
Không ngừng nỗ lực, đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động để nâng cao vị thế, vai trò chủ lực trên mặt trận tư tưởng, thông tin, truyền thông của cơ quan thông tấn quốc gia; làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy ý chí, khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng; làm chủ thông tin trên không gian mạng và tham gia tích cực vào cuộc chiến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, hỗ trợ đắc lực công cuộc hội nhập quốc tế của đất nước; quan tâm hơn nữa đến những “vùng lõm” về thông tin, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Thông tấn xã Việt Nam cũng phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; là cơ quan truyền thông tin cậy, được nhân dân yêu mến, tin tưởng.
Thông tấn xã Việt Nam tiếp tục giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe, trân trọng ý kiến phản biện, nghiên cứu tìm ra những giải pháp tốt nhất, phù hợp nhất, được nhiều người ủng hộ nhất để hoàn thành tốt nhất chức năng, nhiệm vụ được giao; giữ vững mặt trận tư tưởng của Đảng, Nhà nước trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam.
Trong quá trình phát triển, Thông tấn xã Việt Nam phải luôn chủ động, sáng tạo, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chịu trách nhiệm; lấy khó khăn, thách thức làm động lực, cơ hội để phấn đấu, trưởng thành, vươn lên; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, của nhân dân lên trên hết, trước hết; những việc khó, mới, chưa có tiền lệ, chưa có quy định hoặc quy định không phù hợp thì báo cáo cấp có thẩm quyền để làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội.
Thông tấn xã Việt Nam tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm gắn với việc nêu gương của người đứng đầu; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu các cấp của Thông tấn xã Việt Nam trên cơ sở bảo đảm đúng nguyên tắc, dân chủ, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình theo quy định.
Thông tấn xã Việt Nam tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ cả về nhận thức, hành động, về tổ chức công việc; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ảnh hưởng của công tác truyền thông trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào; bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan chuyên trách, lắng nghe ý kiến, hơi thở của cuộc sống để có những chủ đề thông tin phù hợp, đơn giản, dễ hiểu, thuyết phục, hiệu quả; thông tin nhanh chóng, chính xác và sinh động về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa nhanh các nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, các chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ vào cuộc sống, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trong giai đoạn trước mắt là phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Đồng thời khẩn trương tiếp thu, giải trình ý kiến các cơ quan liên quan, hoàn thiện, trình phê duyệt Đề án xây dựng Thông tấn xã Việt Nam trở thành cơ quan thông tấn chủ lực đa phương tiện, chuyên nghiệp, hiện đại.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế, phục vụ đắc lực việc thực hiện nhiệm vụ chính trị phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng; tiếp tục hỗ trợ các hãng thông tấn bạn bè truyền thống; duy trì quan hệ đối tác với các hãng thông tấn lớn trên thế giới; các chương trình hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ với các đối tác quốc tế; tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và triển khai các sản phẩm thông tin quảng bá hình ảnh Việt Nam, phục vụ hội nhập quốc tế, đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng tình với các đề xuất, kiến nghị của Thông tấn xã Việt Nam; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành liên quan tích cực phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam kịp thời giải quyết những kiến nghị này, nhất là các kiến nghị liên quan đến: Cơ chế tài chính đặc thù có tính đến yếu tố hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức; Đề án xây dựng Thông tấn xã Việt Nam thành cơ quan thông tấn chủ lực, đa phương tiện, hiện đại; Đề án xây dựng hệ thống các cơ sở dữ liệu đa ngữ phục vụ bảo vệ chủ quyền và thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển trong kỷ nguyên số; Đề án “ Ứng dụng công nghệ mới lan tỏa thông tin bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trong thanh niên ”.
Thông tấn xã Việt Nam chủ động làm việc với các cơ quan liên quan để xử lý theo đúng quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung vượt thẩm quyền...