Xây dựng Nghị định thay thế quy định về đăng ký doanh nghiệp

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp xuất phát từ một số yêu cầu thực tiễn, yêu cầu của việc triển khai một số văn bản quy phạm pháp luật.

Chú thích ảnh
Làm thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Nghị định số 01/2021/NĐ-CP (Nghị định số 01) được ban hành từ năm 2021 trên cơ sở triển khai Luật Doanh nghiệp. Qua thực tiễn triển khai cho thấy, một số thay đổi như một số Luật mới được ban hành; trong đó, yêu cầu một số nội dung trong Nghị định số 01 phải thay đổi, ví dụ như liên quan đến Luật Tín dụng có quy định khác về đăng ký kinh doanh đối với tổ chức tín dụng; Luật Hợp tác xã quy định về đăng ký hộ kinh doanh. 

Theo nội dung dự thảo Nghị định, dự thảo có cấu trúc gồm 10 chương, 86 điều, bao gồm quy định chung; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đăng ký kinh doanh và quản lý nhà nước về đăng ký doanh nghiệp; đăng ký tên doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký tạm ngừng kinh doanh, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giải thể doanh nghiệp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; cung cấp, kết nối và chia sẻ thông tin; liên thông trong đăng ký doanh nghiệp; điều khoản thi hành…

Mục tiêu xây dựng Nghị định nhằm hướng dẫn, quy định chi tiết, đầy đủ các nội dung được giao tại Luật Doanh nghiệp; giải quyết các vướng mắc trong quá trình thi hành Nghị định số 01; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp…

Nghị định được xây dựng theo nguyên tắc bám sát nội dung của Luật Doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước trong trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; tôn trọng quyền tự chủ của doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và các thành viên, cổ đông.

Mới đây, tại cuộc họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Nghị định nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung các nội dung tại Dự thảo nhằm thay thế Nghị định số 01. Đồng thời nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến liên thông đăng ký doanh nghiệp giữa cơ quan thuế và cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh đạt được nhiều mục tiêu, cắt giảm thủ tục hành chính, được dư luận, xã hội và doanh nghiệp đánh giá cao.

Đại diện Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cho biết, thống nhất với nhiều nội dung của Dự thảo; đồng thời chia sẻ thêm về một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác chuyên môn và cho biết, hiện việc cung cấp các thông tin chủ yếu vẫn bằng bản giấy cho các tổ chức, cá nhân với số lượng nhiều và mất nhiều thời gian, công sức. Do vậy, việc Nghị định thiết kế 01 chương (chương 8) quy định về cung cấp, kết nối và chia sẻ thông tin nhằm quy định chi tiết hơn theo hướng cung cấp các thông qua môi trường mạng điện tử, thay thế các quy trình thủ công có ý nghĩa quan trọng.

Đại diện Bộ Tư pháp cũng cho rằng, qua theo dõi, tổng hợp số liệu về tình hình đăng ký kinh doanh nhận được nhiều ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức; được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, mở rộng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia thị trường trong thời gian qua. Là cơ sở cho các địa phương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đăng ký kinh doanh. Do vậy, việc xây dựng Nghị định này cũng cần đi theo mạch nguyên tắc và hướng đến tăng cường hậu kiểm bởi từ trước đến nay chúng ta đã cải cách và thực hiện tốt điều này.

Cùng với đó, theo đại diện Bộ Tư pháp, Ban soạn thảo cần tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, địa phương khi sửa đổi Nghị định số 01 là rất cần thiết và cần triển khai lấy ý kiến đồng loạt trên toàn quốc; đồng thời, nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế, hướng đến đơn giản hóa thủ tục, liên thông với các cơ sở dữ liệu liên quan để phù hợp với bối cảnh hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Để thực hiện tốt việc xây dựng Nghị định, Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng lưu ý, các nội dung xin ý kiến cần quán triệt quan điểm đảm bảo phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực có liên quan; đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục quan điểm đổi mới sáng tạo cải cách hành chính chung của Chính phủ và của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tập trung vào công tác hậu kiểm, phải có cơ chế giám sát, kiểm tra; đồng thời, khắc phục được những khó khăn trong thời gian qua.

“Cùng với đó, là cần tận dụng tối đa số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính”, Thứ trưởng Đông cho hay.

Thúy Hiền (TTXVN)
Cơ hội cho doanh nghiệp kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế
Cơ hội cho doanh nghiệp kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế

Kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất mở rộng thị trường là chủ đề Diễn đàn xuất khẩu năm 2024 do Bộ Công Thương phối hợp UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 6/6.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN